Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ. Theo đó, có 3 nhóm: Dự án đầu tư ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường; Hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo đại diện Bộ TN&MT, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực môi trường sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong Nghị định 08 của Chính phủ.
3 nhóm được ưu đãi, hỗ trợ
Đối với nhóm dự án đầu tư ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, Nghị định 08/NĐ-CP quy định 4 lĩnh vực gồm: Xử lý và tiêu hủy chất thải rắn (rác thải); Thu gom chất thải rắn (rác thải); Thu gom, xử lý nước thải; Tái chế hoặc tái sử dụng chất thải.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị xử lý nước thải tại chỗ cho cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được Bộ TN&MT cấp chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam; Sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện công cộng sử dụng dầu), sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải, dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo cũng được hỗ trợ.
Đối với hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp được hỗ trợ khi thực hiện đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải để thực hiện lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có sớm hơn lộ trình đối với các trường hợp phải áp dụng hoặc tự nguyện áp dụng; hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục sớm hơn lộ trình.
Các hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh khác cũng được hỗ trợ gồm: Di dời hộ gia đình ra khỏi khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp; Di dời cơ sở đang hoạt động để đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường hoặc thực hiện lộ trình do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định về bảo vệ môi trường; Đầu tư phát triển vốn tự nhiên có khả năng tái tạo, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ di sản thiên nhiên; Xử lý cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Hỗ trợ vốn, đất đai, ưu đãi về thuế, phí
Các doanh nghiệp hoạt động thuộc danh mục này sẽ được ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường các tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; được ưu đãi về thuế, phí và lệ phí, hỗ trợ về đất đai.
Riêng đối với doanh nghiệp xử lý và tiêu hủy chất thải rắn nếu áp dụng công nghệ xử lý chất thải có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% tính trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn tại Quỹ Bảo vệ môi trường với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn chênh lệch thu chi hàng năm.
Riêng 3 nhóm dịch vụ: thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung; Dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân; Dịch vụ vận tải công cộng, trừ dịch vụ sử dụng phương tiện giao thông công cộng sử dụng dầu được trợ giá sản phẩm, dịch vụ./.
Theo vov.vn