Tin chuyên ngành

Con đường của ô nhiễm nhựa (Phần 1)

09:42, 08/03/2022
 
123
Ô nhiễm vi nhựa tại Việt  Nam
Tại Việt Nam, từ năm 2018, một mạng lưới các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá nồng độ vi nhựa trong môi trường nước biển và nước ngọt của Việt Nam. Đánh giá này được thực hiện tại 21 môi trường nước9 tỉnh, thành phố, đại diện cho 19 vùng nước mặt và 2 trầm tích bãi biển. Kết quả, nồng độ vi nhựa trong nước mặt dao động rất lớn từ 0,35 đến 2,522 hạt/m3. Trên thế giới, nồng độ vi nhựa ở các con sông thường cao hơn nhiều so với nồng độ vi nhựa ở các vũng vịnh. Điều này chứng tỏ các môi trường nước ngọt bề mặt có xu hướng bị ô nhiễm vi nhựa hơn so với các môi trường nước biển.
Vi nhựa được tích tụ trong cá và các sinh vật thủy sinh ở Việt Nam như thế nào?
 Thực tế, vi nhựa đã được tìm thấy trong các cơ quan khác nhau của các loài sinh vật, trong đó cơ quan tiêu hóa và mang cá là nơi tích lũy phần lớn các vi nhựa. Sự tích lũy vi nhựa làm giảm việc tiêu thụ thức ăn, tăng áp lực ôxi hóa và gây thương tổn cơ quan tiêu hóa. Bên cạnh đó, những chất phụ gia được cho thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa khi đi vào cơ thể các loài thủy sinh sẽ dần bào mòn và phá hủy cơ thể.
 Ở Việt Nam, nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh đã được thực hiện ở loài vẹm xanh châu Á, tôm bạc, cá lưỡi trâu, cá lù đù, cá phèn, cá kèo, cá cơm và cá bống cát, vi nhựa và vi nhựa dạng sợi đang có trong tất cả các loài cá này. Mật độ sợi vi nhựa trung bình từ 0,33 đến 1,41 sợi trên một gam trọng lượng ướt của loài cá. Kết quả chỉ ra, ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh ở Việt Nam cao hơn so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở Châu Âu, một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải và các loài cá hoang dã ở cửa sông Châu Giang, Trung Quốc. 
Làm gì để từng bước kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong thủy sản tại Việt Nam?
Rất nhiều loài tôm cá được nghiên cứu trong dự án này là những loài có kích thước nhỏ và thường được người dân địa phương tiêu thụ “nguyên con” mà không loại bỏ ruột. Như vậy, vô hình chung chúng ta trực tiếp ăn vi nhựa và các chất phụ gia từ nhựa vào cơ thể.  Do vậy, việc tiếp cận, đo lường, quan trắc và giám sát nồng độ vi nhựa trong các loài thủy sản ở Việt Nam trước khi đưa ra thị trường được thực hiện  càng sớm càng tốt.
 Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ngoài ô nhiễm vi  nhựa từ các nguồn thải sinh hoạt, thì ngay trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, bằng những vật dụng từ nhựa như: lưới đánh bắt cá, phao nổi, dây câu,… cũng đã làm gia tăng quá trình tiếp xúc và tích tụ vi nhựa trong thủy sản. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe  cộng  đồng, cần có một chương trình quan trắc mức độ ô nhiễm vi nhựa trong các loài thủy sinh ở Việt Nam với quy mô quốc gia. Từ đó có bằng chứng khoa học để ban hành, thực thi chính sách giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa trong ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Mặt khác, cần đẩy mạnh thực hiện tốt Quyết định số 1746/QĐ-TTg (2019) về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.