Tin chuyên ngành

Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước ngầm: Sử dụng hiệu quả để phát triển bền vững

09:55, 22/03/2022

PV: Ngày Nước thế giới năm 2022 có chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, ông có thể cho biết cụ thể hơn ý nghĩa của chủ đề này?

Ông Nguyễn Minh Khuyến:

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Năm nay, Ngày Nước thế giới 2022 có chủ đề là “Nước ngầm (Groundwater) - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” với mục đích nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

thumbnail_anh-khuyen.jpg
TS. Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng  Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT

Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

PV: Bộ TN&MT đã có những kế hoạch hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2022 ra sao để tạo sự lan tỏa sâu rộng và nâng cao trách nhiệm, hiểu biết của cộng đồng sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khuyến:

Hưởng ứng chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2022 và căn cứ điều kiện tình hình thực tế hiện nay, Bộ TN&MT đã đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp chủ đề của ngày này.

Cụ thể, treo pano, băng rôn, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp. Lựa chọn, sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền, truyền thông. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức trực tuyến, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về giá trị của nước ngầm, thời tiết và khí hậu,… bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và thu hút các dự án xanh… nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất: Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, trong đó, quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn.

Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời, bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Đáng chú ý là phát động các phong trào trồng cây, trồng rừng, tích cực thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo Quyết định số524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ: trồng cây xanh chắn cát, tạo nguồn sinh thủy…; chống xói lở bờ biển; ngăn ngừa xâm nhập mặn.

Ngày Nước thế giới - một sự kiện quốc tế được tổ chức thường niên kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992. Tại đây, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 22 tháng 3 hàng năm là ngày để truyền tải các thông điệp về ý nghĩa của nước, giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế người dân, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên. Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Cuối cùng là phát hiện, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu…

PV: Ông đánh giá như thế nào về tài nguyên nước ngầm của Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Khuyến:

Lãnh thổ Việt Nam được phân chia khoảng 28 đơn vị chứa nước dưới đất. Theo kết quả Dự án Biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 (năm 2018) do Bộ TN&MT triển khai thực hiện, tổng trữ lượng tài nguyên nước dưới đất dự báo trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chưa kể phần hải đảo) được đánh giá vào khoảng 189,3 triệu m3/ngày (nước nhạt) và khoảng 61,4 triệu m3/ngày (nước mặn) và thuộc loại lớn so với khu vực. Tuy vậy, khả năng khai thác lại phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, điều kiện địa chất thủy văn của từng khu vực. Chỉ có các khu vực đồng bằng, đồng bằng ven biển và khu vực Tây Nguyên là có điều kiện thuận lợi để khai thác nước dưới đất tập trung, với quy mô lớn để phục vụ các nhu cầu sử dụng nước.

Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó, có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột,… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó, chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, ngoài ra, còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau,…).

PV: Về lâu dài, để tăng cường bảo vệ hiệu quả nguồn nước này, Bộ TN&MT đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khuyến:

Để tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, ứng phó với suy giảm chất lượng nước ngầm, Bộ TN&MT đã và đang tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó, chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước dưới đất.

thumbnail_anh-an-ninh-nguon-nuoc.jpg

Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tại các địa phương, đặc biệt là việc ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phù hợp; xử lý, trám lấp các giếng hỏng, không sử dụng nhằm hạn chế ô nhiễm nước dưới đất.

Đồng thời, Bộ tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, trong đó, quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn. Tổ chức thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ đề xuất từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.

Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tiến hành nghiên cứu áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT