Nhận diện nhu cầu sử dụng
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT), tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó, nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).
Nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm, trong đó, tỷ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, hiện, đã có 57% các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng nước ngầm. Hiện tại, có nhiều đô thị đang khai thác và sử dụng nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt và công nghiệp. Các thành phố và thị xã đang chủ yếu khai thác nước dưới đất là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Số còn lại đều sử dụng nước mặt kết hợp với nước dưới đất.
Ước tính, lượng nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước cấp. Phần lớn các đô thị sử dụng nguồn nước dưới đất đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5.000 - 15.000 m3/ngày đến từ 20.000 - 40.000 m3/ngày. Riêng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn (thành phố Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày). Các vùng hiện đang khai thác nước dưới đất nhiều nhất là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc.
Tập trung quyết sách bảo vệ
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tham mưu để Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông…
Ngay từ khi có Luật Tài nguyên nước năm 1998, việc bảo vệ nước dưới đất đã được chú trọng, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp các giếng khoan không sử dụng.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất trong các tầng chứa nước hầu hết phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô. Ở nhiều địa phương, mực nước dưới đất có tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3 - 0,5m/năm như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau,… Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm (Thị trấn Tân Trụ, Tân Trụ, Long An); 0,92m/năm (Thị trấn Lai Vung, Lai Vung, Đồng Tháp); Một số khu vực có xu hướng gia tăng xâm nhập mặn cả về diện tích và nồng độ như: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau…
Khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, trên cơ sở các nội dung Luật giao, Bộ TN&MT ban hành các Thông tư có liên quan trong việc bảo vệ nước dưới đất gồm: Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT, trong đó, quy định Sở TN&MT điều giá, xác định, lập Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn để quản lý các công trình thuộc đối tượng không phải có giấy phép, nhưng phải đăng ký.
Theo Báo TNMT