Tin chuyên ngành

Bộ TN&MT lên phương án khi các địa phương quá tải trong xử lý chất thải của F0

09:34, 09/03/2022

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng chục nghìn tấn rác thải y tế từ đại dịch Covid-19 đang gây sức ép lớn đối với hệ thống quản lý rác thải y tế toàn cầu, đe dọa sức khỏe con người và môi trường, đặt ra nhu cầu cấp thiết phải cải thiện các phương thức quản lý chất thải y tế.

Tại Việt Nam, để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và môi trường đã đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

123
Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

PV: Nhiều nước trên thế giới đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ rác thải từ đại dịch. Ông đánh giá sao về nguy cơ này tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Việc gia tăng các ca bệnh đã và đang đang gây áp lực rất lớn tới vấn đề quản lý chất thải Covid-19 tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng như nhiều tổ chức quốc tế về môi trường đã có những hướng dẫn về việc quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Việc quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trong việc lây lan dịch bệnh.

Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã ban hành nhiều hướng dẫn về phòng chống Covid-19, trong đó đã bao gồm việc quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực: nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang. Đặc biệt, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã ban hành Quyết định số 3455 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành nhiều Văn bản hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương và các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải  trong công tác quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Thực hiện Điều 62 Luật Bảo vệ Môi trường giao quy định chi tiết về việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02 có hiệu lực từ ngày 10/1/2022.

Có thể nói, nguy cơ, sức ép thu gom, xử lý rác thải từ đại dịch là có thật, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ TN&MT đang nỗ lực cao nhất để kiểm soát chặt chẽ các loại rác thải này một cách an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

PV: Trước tình trạng số ca F0, F1 và cách ly y tế tại nhà đang gia tăng, việc bố trí nguồn nhân lực thu gom rác thải tại các hộ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình có F0 đang điều trị tại nhà được đặt ra như thế nào?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Việc gia tăng số lượng các ca F0, F1 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế đã làm gia tăng chất thải lây nhiễm trong hộ gia đình và tăng áp lực đến hoạt động phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn lây nhiễm cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Do người nhiễm bệnh đang thực hiện cách ly tại nhà tăng nhanh về số lượng tại một số tỉnh thành phố, cư trú tại các khu vực, điều kiện khác nhau (khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ) nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh.

hchf
Chất thải y tế của người F0 điều trị tại nhà phải được đóng gói trong các thiết bị lưu chứa theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo không bục, vỡ hoặc phát tán chất thải...

Thực hiện hướng dẫn của Bộ TN&MT về quản lý, xử lý chất thải do dịch bệnh Covid-19, hiện nay một số tỉnh, thành phố đã chủ động, nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch quản lý chất thải trên địa bàn và triển khai hiệu quả các phương án thu gom, xử lý chất thải phát sinh do Covid-19 khi thực hiện biện pháp cách ly tại nhà như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh thành phố khác.

Các tỉnh, thành phố hiện nay đều đã bố trí thêm các nguồn lực để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm tại hộ gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo đáp ứng nguồn lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ dịch bệnh Covid tại hộ gia đinh, UBND tỉnh thành phố cần:

Một là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện giảm thiểu tối đa chất thải lây nhiễm phát sinh, phân loại, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Hai là, chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị công ích, thu gom chất thải để xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn, trong đó có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý theo quy định để đăm bảo giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng; bố trí các thùng chứa và phương tiện vận chuyển riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu gom chất thải phát sinh từ gia đình có người cách ly tại nhà theo các khung giờ cố định và chuyển tới cơ sở xử lý.

Ba là, chính quyền các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tự quản... hướng dẫn, giám sát hoạt động thải bỏ chất thải của người dân cũng như giám sát, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm này.

Bốn là, tiếp tục bố trí ngân sách của địa phương cho các hoạt động phòng chống Covid-19, trong đó ưu tiên cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm do dịch bệnh covid.

PV: Ngoài công tác thu gom, bối cảnh dịch gia tăng còn tạo áp lực cho việc vận chuyển, xử lý rác thải như thế nào, nhất là tại các đô thị?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế; xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế; tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm bên cạnh hệ thống các cơ sở xử lý chất thải theo mô hình cụm cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế.

Trước vấn đề trên, Bộ TN&MT đã có Văn bản thông tin về các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tới các địa phương để liên hệ, phối hợp trong công tác vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Theo đó, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý.

Theo báo cáo của các địa phương và một số đơn vị xử lý chất thải hiện công suất xử lý vẫn đảm bảo phù hợp với khối lượng phát sinh và chưa có địa phương nào quá tải khả năng xử lý chất thải.

PV: Việc cải thiện, nâng cao năng lực xử lý rác thải tại các đô thị được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Việc tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp CTR đô thị có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường. Bộ TNMT đã tham mưu Chính phủ trình  Quốc hội  Thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định một số điều Luật bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường.

Trong đó, Điều 42 của Thông tư đã quy định cụ thể về phương tiện, thiết bị vận chuyển và phương án xử lý chất thải y tế như: Chất thải y tế phải đóng gói trong các thiết bị lưu chứa theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo không bục, vỡ hoặc phát tán chất thải;

Dụng cụ, thiết bị lưu chứa lắp đặt trên thiết bị vận chuyển phải có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không rách vỡ, phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển;

Phương tiện vận chuyển phái có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn, kích thước tuân thủ quy định pháp luật về giao thông vận tải.

Trường hợp không sử dụng được phương tiện vận chuyển chuyên dụng thì được sử dụng phương tiện xe mô tô, gắn máy có thùng chứa gắn chặt trên giá để hàng.

Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế; xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế; tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế trong khuông viên cơ sở y tế.

Thực tế, qua rà soát cho thấy hiện nay toàn quốc có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm bên cạnh hệ thống các cơ sở xử lý chất thải theo mô hình cụm cơ sở y tế. Bộ TN&MT đã có Văn bản thông báo tới các địa phương để liên hệ, phối hợp trong công tác vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Các cơ sở này hiện đã đảm bảo đủ năng lực xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ TN&MT đã nghiên cứu và dự tính phương án dự phòng để xử lý chất thải y tế phát sinh do Covid-19 trong trường hợp nhiều địa phương quá tải trên cả nước. Tuy nhiên trước mắt, để tránh tình trạng quá tải tại một số địa phương, đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan tại địa phương thực hiện nghiêm việc phân loại chất thải y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch/phương án thu gom, vận chuyển, xử lý và phối hợp với các địa phương khác hỗ trợ xử lý, tránh tình trạng quá tải

Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn về quản lý chất thải, Bộ TN&MT đã nghiên cứu, tham khảo các hướng dẫn quốc tế, đặc biệt là các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan môi trường liên hiệp quốc (UNEP) cũng như nhiều tổ chức quốc tế về môi trường. Trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế và những ý kiến góp ý từ việc triển khai thực tế tại nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn, thuận tiện trong quá trình triển khai, áp dụng, đặc biệt trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

PV: Ông có kiến nghị gì để việc thu gom, xử lý rác thải nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Hiện nay, người nhiễm bệnh đang thực hiện cách ly tại nhà tăng nhanh về số lượng tại một số tỉnh thành phố. Đồng thời, do cư trú tại các khu vực, điều kiện khác nhau (khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ) nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Do vậy trước mắt, Bộ TN&MT đề nghị:

UBND tỉnh thành phố cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại riêng biệt, thu gom chất thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với chất thải sinh hoạt.

Tiếp tục bố trí ngân sách của địa phương cho các hoạt động phòng chống covid-19, trong đó ưu tiên cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm do dịch bệnh covid.

Chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị công ích, thu gom chất thải để xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn, trong đó có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý theo quy định để đăm bảo giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Mặt khác, đề phòng trường hợp các gia đình có người nhiễm Covid-19 nhưng không phát hiện ra hoặc gia đình có người nhiễm nhưng không phân loại chất thải đúng theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý có biện pháp hạn chế tiếp xúc với rác thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Cuối cùng, hỗ trợ, giám sát hoạt động xử lý chất thải lây nhiễm đảm bảo an toàn và hiệu quả tại các cơ sở xử lý chất thải.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.

Theo vov.vn