Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc mỗi người trồng một cây, mỗi nhà trồng vài cây để tiến gần tới mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 theo sáng kiến của Thủ tướng, là một việc làm cấp thiết, góp phần chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều sáng kiến trồng cây gây rừng
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về kết quả sau một năm hưởng ứng sáng kiến trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh trong giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định “đây là cuộc phát động rất hợp lòng dân.”
Thực tế cho thấy dù mới chỉ năm đầu thực hiện, nhưng việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của đông đảo người dân trên khắp cả nước.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng đã âm thầm tham gia hưởng ứng cùng các địa phương với hàng loạt sáng kiến, cách làm mới như: 1 triệu cây xanh - thêm cây, thêm sự sống; gia đình trồng cây xanh; trồng cây rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; đường cây phụ nữ; doanh trại xanh giữa vùng cát trắng; hàng cây quân hàm; hàng cây thủy thủ, đường làng xanh…
Thông qua chương trình, tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử cũng đã tăng lên đáng kể.
“Đến nay, nếu nói về quỹ đất để phát triển rừng, có thể khẳng định tỷ lệ độ che phủ rừng hiện đã tăng cao hơn so với chỉ tiêu đã đặt ra trước đây,” ông Hà nhấn mạnh.
Với ý nghĩa đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có đánh giá, công bố công khai các hoạt động cũng như đưa ra các hình thức ghi nhận, tôn vinh các sáng kiến, cách làm hay để phát huy hiệu quả chương trình trồng cây xanh trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tin tưởng với sự quyết tâm cao, việc triển khai trọng tâm, trọng điểm hơn, chắc chắn mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh sẽ đạt được. Khi đó, Việt Nam sẽ có thêm 150.000 hécta rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi cho tiêu dùng, chế biến.
Ngoài ra, với diện tích 180.000 hécta rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 45 triệu USD.
Cùng với đó, việc trồng cây gây rừng tạo ra nhiều giá trị lớn từ các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ môi trường rừng do rừng và cây xanh mang lại...
Cả nước sẽ trồng khoảng 204,5 triệu cây/năm
Trước đó, tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025. Tới ngày 31/12/2020, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường bảo vệ phát triển rừng để thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây vì một Việt Nam xanh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.
Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án số 524 với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Qua thống kê sơ bộ, trong năm 2021, cả nước đã trồng được 210 triệu cây, đạt l15% kế hoạch, trong đó một số địa phương có kết quả tốt như: Nghệ An 7,3 triệu cây; Thanh Hóa 5,3 triệu cây; Lâm Đồng 4 triệu cây; Hà Tĩnh 3,3 triệu cây; Quảng Nam 3 triệu cây; Cà Mau 3 triệu cây; Cao Bằng 3 triệu cây, Phú Thọ 1,5 triệu cây...
Bày tỏ vui mừng trước kết quả đã đạt được, ngày 6/2, tại lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần năm 2022 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ phối hợp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh.
Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng lưu ý chất lượng rừng tự nhiên hiện vẫn còn thấp, nhiều khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa phát huy đầy đủ chức năng; tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với mức tiêu chuẩn quốc gia và thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Theo kế hoạch, từ năm 2022-2025, cả nước sẽ trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm (trong đó, số cây xanh phân tán tăng 1,8 lần so với năm 2020) nên phải rất quyết tâm mới có thể đạt được.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về lâm nghiệp; tiếp tục trồng rừng, bảo vệ, chú ý đến trồng rừng phòng hộ các khu vực đầu nguồn, biên giới, ven biển, hải đảo, quan tâm, chăm sóc, giữ gìn đề cây phát triển tốt…
Đặc biệt, Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, thế hệ thanh niên, thiếu nhi cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu xuân. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức hãy đóng góp cụ thể, thiết thực thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 vì một Việt Nam xanh, góp phần xây dựng đất nước ta mãi xanh tươi và bền vững./.
Hùng Võ (Vietnam+)
Theo vietnamplus.vn