Đó là những kỳ vọng mới đây của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại Hội nghị quốc tế của các nhà khoa học hàng đầu Ngành Trái đất - Mỏ - Môi trường Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia với chủ đề: “Đổi mới khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” (The International Conference Hanoi Geoengineering 2022 “Innovative Geosciences, Circular Economy and Sustainability”).
Theo Bộ trưởng, từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá Trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội mà không tuân theo quy luật tự nhiên, khoa học Trái đất cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên…
Thực tiễn, suy thoái trong môi trường tự nhiên đang hủy hoại nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cơ bản cho sự tồn tại của con người và mọi sinh vật khác, đe dọa cuộc sống của khoảng 3,2 tỷ người, tương đương 40% số dân thế giới. Những dự báo đã có và tất cả đều nhìn ra, song quan trọng hơn là hành động của chính chúng ta ra sao?!
Trên các diễn đàn quốc tế và trong nước, đã có rất nhiều các Hội thảo, tranh luận, tìm các giải pháp để bớt đi những thảm họa thiên tai với con người. Trong đó, có một nguyên nhân mà nhiều báo cáo khoa học đều nhắc đến là sự khai thác cùng kiệt của con người đối với tài nguyên thiên nhiên. Không ai khác, chính con người đang tự đầu độc môi trường sống của mình. Trái đất hôm nay đang đối mặt cuộc khủng hoảng kép biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), thế giới cần giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, nhằm tránh những hệ lụy nguy hiểm nhất. Để đạt được mục tiêu này, thế giới cần nỗ lực khôi phục các hệ sinh thái và khả năng hấp thụ carbon của môi trường thiên nhiên.
Vì vậy, phục hồi hệ sinh thái là một trong những biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu nhanh, hiệu quả và "rẻ nhất", đồng thời, có thể cung cấp thêm môi trường sống cho các loài động vật, thực vật đang bị đe dọa. Bằng cách ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các vùng đất và đại dương, chúng ta có thể hạn chế sự mất mát của hàng triệu loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Nhân loại chỉ cần phục hồi 15% hệ sinh thái ở các khu vực bị đe dọa đã có thể cắt giảm 60% nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật, thực vật. Phục hồi, đa dạng hệ sinh thái là chìa khóa cho sự thịnh vượng và môi trường sống bền vững của con người. Hệ sinh thái sống động sẽ bảo đảm các lợi ích từ thực phẩm và nước cho sức khỏe và an ninh mà dân số ngày càng tăng của thế giới cần trong hiện tại và tương lai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, với những tác động đã nhìn thấy rõ ràng, việc “thuận thiên” để tồn tại, để phát triển là yêu cầu sống còn chứ không phải là việc “nên làm” nữa. Điều này cần phải được đưa vào chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương.
Còn nếu cứ kiểu phát triển “nóng”, vô tình hay hữu ý đánh đổi môi trường lấy những lợi ích kinh tế, sẽ rất khó có thể thực hiện yêu cầu phát triển bền vững.
Theo Báo TNMT