Tin chuyên ngành

Phí thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất từ 7,6 triệu đồng/hồ sơ

09:15, 11/02/2022
Phí thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất có mức từ 7,6 triệu đồng/hồ sơ - Ảnh 1.

Phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt từ 12,8 triệu đồng/hồ sơ đến 28,8 triệu đồng/hồ sơ

Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định gồm: Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.

Theo đó, phí thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất có mức từ 7,6 triệu đồng/hồ sơ đến 16,4 triệu đồng/hồ sơ, áp dụng đối với đề án thăm dò có lưu lượng nước từ 3.000 m3/ngày đêm đến 30.000m3/ngày đêm, tùy theo số lưu lượng nước.

Phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất có mức thu từ 9,4 triệu đồng/hồ sơ đến 17 triệu đồng/hồ sơ áp dụng đối với báo cáo kết quả thăm dò có lưu lượng nước từ 3.000 m3/ngày đêm đến trên 30.000 m3/ngày đêm.

Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn là 3 triệu đồng. Phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt và phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển được quy định từ 12,8 triệu đồng/hồ sơ đến 28,8 triệu đồng/hồ sơ.

Phí thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại do chuyển nhượng giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt có mức thu bằng 50% mức thu nêu trên. Phí thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất; thẩm định hồ sơ, điều kiện trong trường hợp gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có mức thu bằng 30% mức thu trên.

Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là tổ chức thu phí quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí được trích để lại 50% trên tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 50% vào ngân sách nhà nước.

Thông tư số 01/2022/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 25/2/2022.

Khánh Linh

Theo baochinhphu.vn