Tin chuyên ngành

Người dân trả chi phí thu gom, xử lý rác bằng cách mua bao bì đựng chất thải

12:20, 20/02/2022

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bắt đầu được triển khai trong thực tiễn. Để chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, những người xây dựng Luật và các cơ quan quản lý đã nỗ lực xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đi kèm. Tuy nhiên, trong thời điểm đầu triển khai Luật, sẽ khó tránh khỏi những lúng túng nhất định từ phía các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VOV (VOV.VN) đã có phỏng vấn ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

PV: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều đột phá, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay nhiều nơi đang loay hoay trong việc áp dụng luật. Nhiều người đang còn nhiều băn khoăn khi cho rằng thiếu hướng dẫn để luật thực sự đi vào cuộc sống. Bộ TN&MT đã xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Trước tiên, cần thấy rằng Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 là đạo luật có tính toàn diện với nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đột phá đối với công tác BVMT, từ việc phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường để áp dụng đồng bộ các công cụ quản lý như: Đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường đến việc thay đổi cơ chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tận dụng tối đa giá trị của chất thải, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với từng địa bàn, lĩnh vực và dự án cụ thể…

Việc nhiều cơ chế, chính sách mới như vậy, chúng tôi cũng nhận thức được rằng trong thời điểm đầu triển khai Luật, sẽ có những lúng túng nhất định từ phía các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian vừa qua, cùng với việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, chúng tôi cũng đã tập trung xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật để gửi các bộ, ngành và địa phương; mở chuyên mục tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị về chính sách, pháp luật về BVMT trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường để tiếp nhận và giải đáp nhanh các thắc mắc; cử cán bộ trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật tại một số Bộ, ngành, địa phương.

 

Hiện nay, Tổng cục Môi trường cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật trong năm 2022 mà trọng tâm là sẽ tổ chức các hội nghị tâp huấn trong quý I/2022; biên tập bộ giải đáp các câu hỏi thường gặp liên quan đến quá trình triển khai Luật.

Về các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, cho đến nay Bộ TNMT đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định và 2 Thông tư theo đúng Quyết định số 343/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Luật. Đây là những văn bản có khối lượng về nội dung rất lớn, đồ sộ, được nghiên cứu xây dựng công phu, bài bản, khoa học với sự tham vấn kỹ lưỡng của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân là những đối tượng chịu sự tác động chính.

Đỉnh núi Sơn Trà (Đà Nẵng).
Đỉnh núi Sơn Trà (Đà Nẵng).

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, liên quan giấy phép môi trường?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách các thủ tục hành chính về môi trường trong quản lý các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nếu như trước đây, theo quy định của Luật BVMT 2014 và một số luật liên quan (Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Thuỷ lợi 2017), sau khi được phê duyệt và trước khi một dự án đầu tư đi vào vận hành chính thức, ngoài việc thực hiện các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan bao gồm:

Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải công nghiệp; trong đó có sự trùng lặp về nội dung quản lý giữa giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014) với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định của Luật Tài nguyên nước) hoặc giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định của Luật Thủy lợi).

Thì hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã khắc phục căn bản vấn đề này, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở quy định tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường nói trên vào chung một GPMT và bãi bỏ giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đối với trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi thì giấy phép môi trường phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi; đồng thời quy định về sự phối hợp giữa cơ quan cấp phép môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi trong trường hợp cấp giấy phép môi trường có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Như vậy, với quy định nêu trên, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện 1 giấy phép môi trường thay vì phải thực hiện nhiều loại giấy phép, giấy xác nhận như trước đây, qua đó giảm thời gian và chi phí thực hiện của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Giấy phép môi trường là công cụ chính để quản lý, kiểm soát môi trường của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi đi vào vận hành, qua đó bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các công cụ quản lý dự án theo vòng đời (từ quy hoạch, chiến lược, đánh giá tác động môi trường đến giấy phép môi trường). Đây là công cụ quản lý môi trường đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

PV: Một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, và có nhiều ý kiến trái chiều là việc người dân sẽ phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và trả chi phí xử lý rác thải theo khối lượng. Tổng cục Môi trường và Bộ TN&MT đã có những văn bản, hướng dẫn, thực hiện những việc làm như thế nào để đưa những quy định này thực sự đi vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thời gian vừa qua là do chúng ta chưa thực hiện được việc phân loại tại nguồn và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc; mặt khác phần lớn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được ngân sách nhà nước chi trả. Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh.

Điều này dẫn đến không thúc đẩy được các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, chưa tận dụng được tối đa giá trị của chất thải để phục vụ trở lại cho nền kinh tế, trong khi hàng năm nước ta vẫn phải nhập một khối lượng lớn phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất. Trong khi xu thế chung của thế giới hiện nay đều coi chất thải là tài nguyên, áp dụng phổ biến kinh tế tuần hoàn để tận dụng giá trị tài nguyên từ chất thải, đồng thời giảm gánh nặng cho môi trường.

Để khắc phục vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc phân loại CTRSH tại nguồn và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải được thu thông qua khối lượng hoặc thể tích chất thải. Nghĩa là nếu phát sinh nhiều chất thải thì sẽ đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, do đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Luật quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: (i) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) chất thải rắn sinh hoạt khác; và chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Ở đây cần xác định rõ việc thu kinh phí này dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải chứ không phải là cân chất thải như một số ý kiến trước đây đã nêu. Bộ TN&MT đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu kinh phí này qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải.

Theo đó, một trong những hình thức là thu theo bao bì đựng chất thải, trong đó giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; mỗi loại bao bì đựng CTRSH có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT cũng đưa ra quy định các địa phương có thể lựa chọn các hình thức khác, miễn là thực hiện được nguyên tắc phát sinh nhiều chất thải, phân loại chất thải không tốt thì phải trả nhiều tiền hơn.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không quy định cứng nội dung này phải được bắt buộc thực hiện ngay khi có hiệu lực thi hành mà giao trách nhiệm cho các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình ban hành lộ trình triển khai thực hiện phù hợp trong 3 năm tới, tức là thời điểm thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Để đảm bảo tính khả thi của chế định này, Luật cũng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các quy định cụ thể về lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh; đồng thời quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo thẩm quyền.

Tôi cho rằng, với những quy định trên và sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có sự tham gia tuyên truyền, phổ biến các quy định của các cơ quan báo chí, các quy định này sẽ dần đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Văn Ngân/VOV.VN
Theo vov.vn