Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19, diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn nên dự án mới triển khai được một số hạng mục, còn hầu hết các nhiệm vụ sẽ được triển khai trong năm 2022. Để triển khai kế hoạch thực hiện dự án năm 2022, Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo như Vụ Kế hoạch - Tài Chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Biến đổi khí hậu; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường hướng dẫn, bám sát Ban Quản lý dự án về trình tự, thủ tục, cách thực hiện, giải pháp về vốn, tài chính và nghiệp vụ kế toán; đẩy nhanh kế hoạch đấu thầu năm 2022; hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức quốc tế trong quá trình triển khai thực hiện dự án; hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ dự án phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; chỉ đạo, giám sát, ủy quyền Ban Quản lý dự án theo quy định…
|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến - ảnh chụp qua màn hình |
Ngoài ra, Vụ Pháp chế phải phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ đạo Ban Quản lý dự án triển khai các hoạt động của dự án theo đúng văn kiện dự án đã được phê duyệt, theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng cũng mong đơn vị tài trợ dự án - Văn phòng Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UnHabitat Việt Nam) phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất về vốn, kinh phí để triển khai các nhiệm vụ của dự án.
Đối với các địa phương tham gia dự án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu hỗ trợ, phối hợp, chỉ đạo các địa phương trực thuộc; cử cán bộ đầu mối làm việc với Ban Quản lý dự án; ra văn bản đồng thuận với kế hoạch xây dựng công trình thuộc dự án.
|
Các đại biểu tham dự cuộc họp |
Báo cáo kế hoạch thực hiện dự án, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong năm, dự án sẽ triển các hoạt động như: Xây dựng hướng dẫn, tài liệu đào tạo về đánh giá tính tổn thương và rủi ro ở cấp địa phương; công cụ và tài liệu đào tạo về lập quy hoạch, chiến lược và kế hoạch hành động chống chịu BĐKH; đào tạo dành cho nhóm dự án – thúc đẩy xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển khu định cư con người- sinh thái; tổ chức Hội thảo đào tạo, tạo điều kiện xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cho khu định cư con người - sinh thái hướng tới thích ứng biến đổi khí hậu ở cấp trung ương/tỉnh/huyện/xã.
Đồng thời, xây dựng chiến lược và Kế hoạch hành động cho khu định cư con người-sinh thái cấp tỉnh/huyện/xã dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương; Xây dựng khung chính sách lồng ghép hành động và chiến lược ứng phó BĐKH vào trong hệ thống quy hoạch địa phương; Đào tạo dành cho nhóm dự án – thúc đẩy xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển khu định cư con người- sinh thái.
Mặt khác, tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng thông qua phát triển theo mô hình chống chịu biến đổi khí hậu, và tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái đối với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực địa phương trong quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Quản lý dự án và đại diện các địa phương cơ bản đồng thuận với đề xuất của Ban Quản lý dự án về kế hoạch thực hiện, triển khai dự án vào năm 2022.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của gần 20 triệu người dân, là khu vực sản xuất nông nghiệp và thủy sản quan trọng và lớn nhất Việt Nam, đóng góp đáng kể sản lượng lương thực, thực phẩm cho quốc gia và xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực này là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của BĐKH.
Chính phủ đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ các địa phương ở khu vực này như ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực triển khai Nghị quyết này và đã được nhiều đối tác quốc tế hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết 120, Bộ TN&MT đã phối hợp với Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc xây dựng dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, phát triển bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” để xin tài trợ từ Quỹ Thích ứng (Adaptation Fund) và tháng 7/2020 Văn kiện dự án đã chính thức được Quỹ Phê duyệt tài trợ.
Dự án có mục tiêu là tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua xây dựng khung chính sách mang tính gắn kết chặt chẽ giữa con người và môi trường sinh thái cho từng cấp quản lý của địa phương. Dự án có kinh phí hơn 6.450.000 USD (viện trợ không hoàn lại) và thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2023 tại tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu.
Theo Báo TNMT