Thực hiện định hướng, chủ trương của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường về việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2021, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo “Truyền thông, nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới” khu vực phía Bắc với sự tham dự của trên 200 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tuy nhiên 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào. Hệ thống nguồn nước từ các sông, suối phân bố trải dài dọc biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thuộc địa bàn toàn bộ 25 tỉnh biên giới. Theo số liệu thông kê sơ bộ, nước ta có 206 sông, suối lớn nhỏ, bằng khoảng 8% tổng số sông, suối; trên 1.100 km đường biên giới là sông, suối, chiếm khoảng 24,7% tổng chiều dài đường biên giới trên bộ.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước đã và đang chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng.
Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức của cộng đồng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Để đạt được điều này thì công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng. Đây chính là giải pháp hữu hiệu và nhanh nhất để thông tin đến cộng đồng dân cư nhằm nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, toàn xã hội về giá trị và vai trò của tài nguyên nước.”
Phát biểu chào mừng Hội thảo, bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Gám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ: Lào Cai có biên giới giáp Trung Quốc, nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào nước ta và là một địa phương trọng điểm trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại khu vực miền núi phía Bắc. Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhiệm vụ truyền thông về tài nguyên môi trường là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: hầu hết các chương trình, chuyên mục, phóng sự, tin bài về tài nguyên môi trường đã được phản ánh khách quan, chân thực, chính xác và kịp thời với nội dung phong phú, hấp dẫn,… góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, giảm phát thải cacbon, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.”
Tại hội thảo, các đại biểu đã được trao đổi, chia sẻ 1 số vấn đề: Nguồn nước các lưu vực sông xuyên quốc gia: Thực trạng, thể chế, chính sách; Tiến trình chia sẽ và hợp tác quản lý nguồn nước xuyên biên giới; Một số kinh nghiệm về: “Kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn nước xuyên biên giới”; “Các mô hình khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trong việc phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh Lào Cai”.
Ngoài các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Ban tổ chức cũng đã tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các quý vị, đại biểu tại các phiếu điều tra về công tác truyền thông về tài nguyên nước để có những định hướng, phương thức truyền thông mới phù hợp hơn, đáp ứng các nhu cầu thực tế của các địa phương.
Việc tổ chức Hội thảo “Truyền thông, nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới” khu vực phía Bắc là cơ hội để các đại biểu nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước; nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về truyền thông cũng như trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về tài nguyên môi trường; để từ đó tìm ra các phương án tối ưu, giúp cho công tác truyền thông về tài nguyên môi trường nói chung và truyền thông về bảo vệ nguồn nước từ các nguồn nước xuyên biên giới đạt được thành quả nhất định, góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường./
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.