Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2022 được Ban Thư ký Công ước đa dạng sinh học lựa chọn chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống,” mong muốn góp phần làm thay đổi thế giới bằng những tín hiệu tích cực cho thế hệ mai sau.
Với Việt Nam - quốc gia có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là đa dạng về loài, việc xây dựng “nền móng” cho tương lai xanh của sự sống càng trở nên cấp thiết, nhất là trong bối cảnh số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa đang ngày tăng lên.
“Ngôi nhà tự nhiên” đang bị đe dọa
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm; là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu.
Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật được xác định. Trong đó, có khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; hơn 11.000 loài sinh vật biển khác…
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước.
Tuy vậy, kết quả sau 9 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học 2020 tầm nhìn 2030 (Chiến lược 2020) cho thấy đa dạng sinh học ở Việt Nam đang tiếp tục bị suy giảm; một số mục tiêu của chiến lược không đạt mong muốn.
Đó là, tỷ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn mới đạt được 7,1% so với mục tiêu đề ra 9%; tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển mới đạt được 0,19%; số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa tăng lên; nhiều hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn theo quy hoạch chưa được xây dựng…
Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam” vừa được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) công bố, cũng cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ ngày càng nhanh hơn.
Trong đó, có tới 21% các loài thú; 6,5% các loài chim; 19% các loài bò sát; 24% các loài lưỡng cư; 38% các loài cá đang bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544km2 diện tích đất rừng đã bị mất; khoảng 2,8 triệu hécta rừng tự nhiên đã bị mất…
Nhìn nhận thực trạng trên, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cho rằng đa dạng sinh học của Việt Nam hiện vẫn trên đà suy giảm, hệ sinh thái bị suy thoái, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng.
Nguyên nhân khiến “ngôi nhà tự nhiên” đang bị đe dọa là bởi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ rừng vẫn tiếp tục ở mức cao. Trong khi đó, sự quan tâm của các cấp đối với vấn đề đa dạng sinh học chưa thực sự mạnh mẽ; chưa huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt của khối tư nhân trong công tác bảo tồn.
Xây dựng tương lai cho mọi sự sống
Ðể khắc phục tình trạng trên, theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay cần phải có những hành động chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi các nghĩa vụ quốc tế.
Thậm chí, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì “bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật, đã đến lúc, chúng ta cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo cho đến tất cả mọi người dân.”
Riêng với Việt Nam, năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, để lan tỏa thông điệp “Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống,” Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã…
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng chương trình hành động có định hướng và phù hợp trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc; trong đó, đẩy mạnh phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truy yền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp thiết lập, củng cố hệ thống thông tin về đa dạng sinh học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, từng vùng di sản thiên nhiên; lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn…
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị xây dựng chương trình hành động có định hướng phù hợp trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ phục hồi hệ sinh thái; trong đó phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thông, các giống cậy trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; trong đó, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam./.
Theo vietnamplus.vn