Vẫn còn đó những mối lo…
Tại Việt Nam, để bảo vệ ĐDSH, nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được Chính phủ phê duyệt như: Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam; Chương trình Quốc gia bảo vệ hổ; Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030…
Việt Nam cũng đã nỗ lực thực hiện Chiến lược Quốc gia về ĐDSH 2020 tầm nhìn 2030 (Chiến lược 2020 thi hành từ năm 2013), sau 9 năm thực hiện chiến lược này, đến nay đã thành lập được 3 hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn; một số loài có giá trị kinh tế đã được nghiên cứu, gây nuôi phát triển thành sản phẩm thương mại như sâm ngọc linh, cá anh vũ, cá hô; Số lượng nguồn gen được thu thập, lưu giữ, đánh giá tính trạng di truyền, bảo tồn và phát triển thành sản phẩm thương mại tăng 3,12 lần so với thời kỳ đầu; củng cố và mở rộng, nâng tổng số khu bảo tồn lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78ha…
Tuy nhiên, trên thực tế, ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy giảm; một số mục tiêu của Chiến lược 2020 không đạt mong muốn. Đó là, tỷ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn mới đạt được 7,1% so với mục tiêu đề ra 9%, tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển mới đạt được 0,19% so với mục tiêu đề ra là 0,24%...; ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy giảm về chất lượng thể hiện 3 cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen; số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa tăng lên; nhiều hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn theo quy hoạch chưa được xây dựng…
Giai đoạn 2021 - 2030 được LHQ xác định là thập niên “Phục hồi các hệ sinh thái”. Mục tiêu và yêu cầu về bảo tồn ĐDSH đã trở thành nội dung của nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như: Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDG), Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF), Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới...
Báo cáo “Đánh giá ĐDSH tại Việt Nam” vừa được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và ĐDSH công bố cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái ĐDSH với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Có tới 21% các loài thú, 6,5% các loài chim,19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đang bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544km2 diện tích đất rừng đã bị mất. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Tổng cục Môi trường) nhận định, dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật song đến nay, ĐDSH của Việt Nam vẫn trên đà suy giảm, hệ sinh thái bị suy thoái, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng. Tình hình vi phạm pháp luật về ĐDSH, bảo vệ rừng vẫn tiếp tục ở mức cao. Chúng ta cũng chưa phát huy được giá trị của ĐDSH phục vụ cho phát triển bền vững. Sự quan tâm của các cấp đối với vấn đề ĐDSH cũng chưa thực sự mạnh mẽ. Chưa huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt của khối tư nhân trong công tác bảo tồn ĐDSH.
Những giải pháp lớn
Ðể khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 đã có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn ĐDSH tốt hơn. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần phải có những hành động chiến lược để bảo tồn ĐDSH và thực thi các nghĩa vụ quốc tế. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Đã đến lúc phải coi bảo tồn ĐDSH là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo, sau đó là cho đến tất cả mọi người dân.
Theo Chiến lược này, thời gian tới Việt nam sẽ triển khai 6 giải pháp bảo tồn, phục hồi ĐDSH. Đó là, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về ĐDSH; Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; Đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.
Trong đó, giải pháp về chính sách, thể chế sẽ được tập trung thực hiện. Cụ thể, sẽ tổ chức thí điểm và triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển. Xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững bảo đảm giảm thiểu tác động tới ĐDSH; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hướng dẫn việc nhân, nuôi các loài hoang dã thông thường và kiểm soát chặt chẽ việc nuôi thương mại các loài hoang dã để bảo đảm không ảnh hưởng tới ĐDSH; thực hiện gắn chip và lập sổ theo dõi các đối tượng nuôi là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Nhằm tiêu chuẩn hóa các hệ thống di sản thiên nhiên, Việt Nam sẽ xây dựng, ban hành các tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; hướng dẫn đăng ký công nhận các khu bảo tồn thiên nhiên trong “Danh lục Xanh” toàn cầu…
Đối với các hệ sinh thái đang bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển sẽ xây dựng các quy trình và hướng dẫn kỹ thuật phục hồi. Hai chương trình lớn triển khai có hiệu quả sẽ góp phần phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, đó là Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với mục tiêu phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng…
Ngoài ra, Việt Nam sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; mở rộng và tăng cường năng lực mạng lưới các trung tâm cứu hộ trên toàn quốc bảo đảm nhu cầu cứu hộ các loài hoang dã theo vùng miền và loại hình cứu hộ các loài hoang dã, phát triển các cơ sở gây nuôi bảo tồn.
Theo Báo TNMT