Điểm tin

Phòng chống dịch Covid-19: Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã

08:26, 16/03/2020

Để giảm thiểu mối nguy từ động vật hoang dã liên quan đến dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền thông, và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.

 

Đây là động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan ở Việt Nam và trên toàn cầu. Việc kiểm soát vận chuyển động vật hoang dã càng cần thực hiện chặt chẽ.

* Động vật hoang dã có thể truyền bệnh sang người

Theo nhận định bước đầu, nhiều loài động vật hoang dã mang mầm bệnh có thể lây lan sang người. Các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, vi rút đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, vi rút Marburg ở châu Âu.

Săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ là hành động vi phạm pháp luật mà còn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến vô cùng phức tạp. Những đối tượng giết mổ, săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã là những người đầu tiên có nguy cơ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với cá thể mang mầm bệnh. Sau đó, việc vận chuyển các cá thể này đến các khu vực khác cũng sẽ góp phần làm lây lan virus nhanh hơn.

Đặc biệt, bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (Covid-19) đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã, hiện đang lan rộng đe dọa đến sức khỏe con người.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành, hướng dẫn các khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa, không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã cũng như không tham gia vào các hoạt động săn bắn, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép để bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Nhiều nỗ lực kiểm soát vận chuyển động vật hoang dã

1

Tại Việt Nam, nhiều nỗ lực bảo tồn và quản lý săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã được thực hiện thông qua việc tham gia, thực thi các Công ước quốc tế liên quan như Công ước đa dạng sinh học (CBD), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITE); hoàn thiện thể chế, chính sách và thực thi các quy định pháp luật quốc gia liên quan đến bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) và các Bộ ngành, tổ chức quốc tế, địa phương tập trung đẩy mạnh các giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Bộ TNMT tiếp tục đẩy mạnh thực thi các văn bản liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã bao gồm: Luật đa dạng sinh học, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch quốc gia về đa dạng sinh học, Chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ v.v. ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn loài và đa dạng sinh học như hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo vệ môi trường, xây dựng các hướng dẫn thực hiện Luật đa dạng sinh học và chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học… nhằm mục tiêu củng cố hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.

Thứ hai, về hoạt động thực tiễn, Bộ TN&MT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học; Xây dựng quan hệ đối tác và huy động sự tham gia của các bên và cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã..., góp phần nâng cao ý thức cộng đồng cũng như ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này.

Dịp lễ tết hàng năm, Bộ TN&MT ban hành công văn đề nghị các cơ quan, bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài nguy cấp.

Đặc biệt, trước tình hình bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (covid-19), Bộ TN&MT đã ban hành Công văn gửi đến các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép nhằm tránh nguy cơ không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
 

Cổng TTĐT Bộ TN&MT