Điểm tin

Hà Nội khuyến khích xã hội hóa trong bảo vệ môi trường làng nghề

15:51, 04/11/2019
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó khuyến khích xã hội hóa trong bảo vệ môi trường làng nghề. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/11/2019.
 
1

Làng nghề Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội

Theo quyết định, điều kiện về tiêu chí môi trường trong việc xét, công nhận làng nghề gồm có: Làng nghề phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12 của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT, ngày 14/10/2016, của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để được xem xét, công nhận làng nghề.

Đối với làng nghề đã được công nhận làng nghề trước khi Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành (ngày 01/12/2016) nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12 của Thông tư thì UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối họp với UBND cấp xã tổ chức thực hiện việc khắc phục theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 của Thông tư này.

Để phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và thị xã có làng nghề tổ chức đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT.

Việc đánh giá, phân loại và đề xuất giải pháp bảo về môi trường làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường được thực hiện định kỳ 02 năm/lần. Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí Hà Nội và UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin, truyền thông danh mục làng nghề được đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường.

Quyết định cũng nêu, biện pháp quản lý đối với làng nghề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quy định tại Điều 14 của Thông tư số 31/2016/TT- BTNMT.

Chính sách ưu đãi cho công tác bảo vệ môi trường đối với làng nghề được công nhận: Các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển được ưu tiên các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND, ngày 04/12/2013 ,của HĐND Thành phố về “Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020; chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội; chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn thành phố Hà Nội”.

Đối với việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề: UBND Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề;

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề được hưởng các chế độ ưu đãi về đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của UBND Thành phố và pháp luật hiện hành;

Trường hợp phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư, được xem xét hỗ trợ tiền thuê đất theo mức miễn, giảm theo quy định.

Thông tin về công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở, làng nghề được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; được thông báo trong các cuộc họp của UBND, HĐND các cấp, cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc niêm yết tại trụ sở UBND các cấp…

Hải Ngọc
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn