Tin tức - Sự kiện

Chủ động phòng chống thiên tai trước diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão

06:11, 19/09/2024

Chiều tối ngày 18/9/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành đã họp với Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và các bên liên quan về công tác dự báo tác động của Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão. Theo Thứ trưởng, ngoài bản tin ATNĐ và Bão cần phải chú trọng hơn nữa các bản tin về mưa lớn có thể xảy ra.

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp tối 18/9, tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp tối 18/9, tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đến 21h tối ngày 18/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào 17.0 độ Vĩ Bắc; 111.2 độ Kinh Đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 330km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, trong khoảng 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10. Khả năng tâm bão đi vào khu vực Quảng Bình - Quảng Trị.

Bên cạnh đó, trong cuộc hợp lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước, Trung tâm Hải văn cũng thông tin thêm về tình hình hồ chứa khu vực Trung Bộ, dự báo và đánh giá nguy cơ nước dâng và sóng cao đối với khu vực ven biển.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, trong 2 tuần qua, liên tục đã có các cơn bão ảnh hưởng đến nhiều nước, thậm chí là siêu bão vào Việt Nam, ngập lụt nghiêm trọng tại Trung Âu... Điều này thể hiện tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2024 là hết sức khắc nghiệt và sâu rộng, đúng như cảnh báo của Tổ chức Khí tượng thế giới. Bởi vậy, cơ quan KTTV của Việt Nam cần hết sức lưu ý công tác cảnh báo thiên tai trong những tháng cuối năm.

Thứ trưởng lưu ý, công tác dự báo, truyền thông tới cơ quan phòng chống thiên tai và cộng đồng, cần lưu ý mức nguy hiểm của mưa lớn, dông, lốc trong vùng mây hoàn lưu bão. Nhiều năm qua, ĐBSCL chỉ có lũ thấp. Năm nay, lũ cao hơn nên cần đề phòng rủi ro. Bên cạnh đó, mưa lớn có thể xảy ra ở phía Bắc của ATNĐ và phía Nam là khu vực Tây Nguyên. Do vậy, cần có bản tin cảnh báo mưa, sạt lở, lũ quét ở Tây Nguyên và lũ ở sông Mê Kông, tới từng địa phương chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, cần rà soát những hồ chứa xung yếu ở những vùng dự báo mưa lớn. Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp bản tin cho địa phương để họ chủ động thông tin rộng rãi đến từng người dân. Đặc biệt, cần cảnh báo cụ thể cho địa phương về tình trạng ngập úng đô thị có thể gây thiệt hại về tài sản và người.

Kết thúc cuộc họp, ông Lê Công Thành đã ghi nhận những nỗ lực của cán bộ KTTV, đã làm tốt công tác dự báo, cảnh báo kịp thời trong cơn Bão số 3; chúc các cán bộ tiếp tục phát huy tinh thần mẫn cán trong công việc, dự báo, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời hơn nữa, giúp giảm thiểu những thiệt hại của Nhà nước và Nhân dân.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc