Tin tức - Sự kiện

Nâng cao hiệu quả cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

16:26, 22/07/2024

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường các bản tin chi tiết cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Tuy nhiên, cùng với việc hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chính quyền sở tại cũng cần được nâng cao; bởi công nghệ có hiện đại bao nhiêu nhưng con người thiếu chủ động thì tai nạn lũ quét, sạt lở đất cũng vẫn xảy ra.

 
Phương án của ngành Khí tượng thủy văn

Quyết định số 1262/QĐ-TTg, ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2023 đến 2030". Theo đó, ngành Khí tượng thủy văn- Bộ Tài nguyên và môi trường đang tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sạt lở đất, lũ quét tổng thể và đồng bộ; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai, sạt lở đất, lũ quét như: quy định, định mức kinh tế kỹ thuật và quy trình về điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo,…

Mục tiêu, đến năm 2025, ngành Khí tượng thủy văn sẽ cơ bản hoàn thành, bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du; tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét. Đến năm 2030, ngành hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin, cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp hai chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân; cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.

Đề án và đề xuất của Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam

Cục Địa chất Việt Nam-Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuối tháng 6 vừa qua đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương; tiến hành lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Để thực hiện đề án này, Cục đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong việc triển khai liên hệ, tiếp nhận, chia sẻ các tài liệu, kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan về sạt lở đất, lũ quét từ các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo kế thừa, tiết kiệm, hiệu quả.

Các địa phương cần được quan tâm và ưu tiên đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm tai biến về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai và kết nối dữ liệu về các trạm cảnh báo sớm trung tâm. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nội địa hóa các thiết bị cảm biến cảnh báo về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét thích ứng với điều kiện Việt Nam với giá thành sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng hợp lý. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu chuyển giao công nghệ chế tạo, thiết kế các trang thiết bị của các trạm cảnh báo sớm phù hợp với điều kiện Việt Nam, theo TS.Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc