Các thành phố ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ các điều kiện cơ bản, tối thiểu về tài lực, vật lực, nhân lực và cơ sở hệ thống thông tin, truyền thông tương thích với một Thành phố (TP) thông minh. Nếu vội vã kiến tạo TP thông minh thì sẽ gặp rủi ro. Ngược lại, cần phải đẩy mạnh xây dựng TP phố xanh để phát triển Thành phố bền vững, đây là mục tiêu chiến lược thiên niên kỷ và là tiền đề, điều kiện cơ bản để phát triển Thành phố thông minh trong tương lai.
Kiến tạo thành phố thông minh ở Việt Nam
Trong điều kiện kinh tế nước ta ở mức trung bình thấp trên thế giới; trình độ khoa học công nghệ thông tin còn hạn chế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông ICT (IT là Information Technology, C là Communication) còn yếu kém; nhân tố con người thiết kế, sử dụng và quản trị hệ thống ICT chưa bảo đảm. Do vậy, việc kiến tạo và vận hành TP thông minh sẽ gặp khó khăn, trở ngại và rủi ro không dễ vượt qua.
Thách thức lớn nhất khi chúng ta kiến tạo TP thông minh là hệ thống hạ tầng, khung ICT còn yếu kém. Một TP đạt đến cấp độ thông minh thì phải có được một hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung ICT hiện đại, hoàn thiện và phủ kín toàn TP. Hệ thống ICT này đảm bảo một nguyên lý cực kỳ quan trọng của TP thông minh là Internet of things, tức là Internet vạn vật (tất cả mọi đồ vật, mọi con người, mọi lĩnh vực, mọi chuyện) được kết nối với nhau trong một mạng lưới thông suốt. Nói một cách khác, con người kết nối được với thiên nhiên, nhà ở, đường sá, cây cối, nhà bếp và con người với nhau.
Để làm được điều đó, người ta phải sử dụng các thiết bị công nghệ cao (high technical): các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao; các đường truyền cáp quang, xử lý dữ liệu lớn, tốc độ cực nhanh; kết nối liên thông các lĩnh vực kỹ thuật và phi kỹ thuật; thêm vào nữa là sử dụng tự động hóa trong sản xuất và đời sống. Để có thể tiếp nhận và xử lý dữ liệu, mỗi TP cần có các trung tâm tích hợp, xử lý dữ liệu lớn (Big Data). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông…
TP. Đà Nẵng của Việt Nam mới chỉ lắp đặt hơn 1.500 camera quan sát giao thông đã phải chi gần 100 tỷ đồng, đây là tốn kém lớn, nhưng hiệu quả kém vì thiếu đồng bộ. Hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, quản lý đô thị phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới, tương thích với yêu cầu của thành phố thông minh. Các lĩnh vực như giao thông, bệnh viện, trường học phải hiện đại đến mức tương hợp về trình độ, quy mô với công nghệ và kỹ thuật ICT định ứng dụng.
Bên cạnh công nghệ hiện đại, các TP thông minh cần các yếu tố xã hội, cung cấp một môi trường văn hóa văn minh, tạo ra một môi trường sống lành mạnh với người dân, sao cho người dân phải tự nguyện và có khả năng đón nhận TP thông minh. TP thông minh là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố và nhiều phía, trong số đó công dân thông minh (Smart citizen) được coi là một trong số các yếu tố quyết định sự thành bại của tham vọng này, bởi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tác. Cụ thể, người dân phải có tài chính cá nhân đủ để mua các thiết bị tối thiểu như laptop, smart phone, camera, cảm biến, đường truyền…; Chấp nhận hợp tác, cùng hành động, cùng chia sẻ một cách tự nguyện với chính quyền.
Để vận hành một hệ thống ICT phục vụ cho một TP nhiều triệu dân là cực kỳ phức tạp, cần phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi và trung thành với nhân dân. Họ không chỉ là chuyên gia về công nghệ thông tin mà còn là các nhà kinh tế - xã hội, tâm lý hàng đầu. Bởi bài toán, TP thông minh không thuần túy là IT mà là những vấn đề xã hội. TP thông minh giống như một cái máy tính khổng lồ, tất cả thông tin của TP nói chung và của từng công dân nói riêng đều được tích hợp lại ở một hay vài trung tâm điều hành. Những thông tin về nhân thân, việc làm, tư pháp, thu nhập, thuế, đều được tích hợp lại.
Điều gì xảy ra nếu các chuyên gia trong hệ thống tiếp tay cho kẻ xấu tuồn thông tin mật của TP cho bọn khủng bố, bắt cóc; bán thông tin cá nhân cho các nhà đầu cơ xấu? Như vậy, cần phải có “Chính quyền thông minh”, “Lãnh đạo thông minh”. Tất cả những điều nêu trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có chính quyền thông minh, lãnh đạo thông minh- những người có tài, có tâm, minh bạch. Chính quyền thông minh sẽ đưa ra quyết sách đúng, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, quyết định mức đầu tư phù hợp và biết cách duy trì thành quả lâu dài.
Hiện nay, hầu hết các TP lớn ở Việt Nam đều đã đề ra kế hoạch hành động phát triển TP bền vững, TP xanh, TP sinh thái. Một số TP đã đề ra chủ trương xây dựng TP thông minh toàn diện, hoặc TP thông minh một vài lĩnh vực. Nhưng chưa có TP nào tổng kết đánh giá đã đạt được tiêu chí của TP bền vững, TP xanh, hay TP thông minh toàn diện hay một phần kết quả như thế nào? Ngoài ra, trong các năm gần đây đã có nhiều chủ đầu tư các khu đô thị (KĐT) mới tự xưng và quảng bá là KĐT sinh thái, KĐT xanh, như: KĐT Phúc Việt, Việt Hưng (Hà Nội); Quan Nam (Đà Nẵng), Tam Phú (Quảng Nam); Mỹ Phước 4 (Bình Dương); Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh)… Nhưng thực chất các KĐT này chỉ chú ý tăng cường các không gian xanh, tạo ra môi trường sống tốt hơn các KĐT khác, còn các tiêu chí về KĐT xanh thực sự vẫn chưa đạt.
Tiêu chí TP thông minh trên thế giới
Thế giới hiện nay, có 10 TP thông minh tiêu biểu, thứ tự gồm: New York, Luân Đôn, Paris, Tokyo, Reykjavik (Iceland), Singapore, Seoul, Toronto, Hồng Kông, Amsterdam. Mục tiêu cơ bản của TP thông minh là người dân được cung cấp lợi ích như: Chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân và du khách; Khả năng cạnh tranh kinh tế để thu hút ngành công nghiệp và tài năng; Tập trung có ý thức về BVMT và phát triển bền vững. Ba mục tiêu này cung cấp nền tảng cho một sáng kiến TP. thông minh.
TP thông minh được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, kết nối và tạo lên một hệ thống hữu cơ tổng thể. Hệ thống này gồm có mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức). Toàn bộ hệ thống này khi vận hành trong đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền TP, giảm tiêu thụ năng lượng và giúp quản lý hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một ví dụ đơn giản về đô thị thông minh là, sử dụng cảm biến để quản lý hệ thống đèn đường phố, thay đổi công suất chiếu sáng đường phố theo mật độ lữ hành, để từ đó làm giảm đáng kể mức độ tiêu thụ năng lượng và dễ dàng trong khâu quản lý, theo dõi và kiểm tra. Phát triển đô thị thông minh vừa là động lực vừa là thách thức của mỗi quốc gia. Đồng thời, đô thị thông minh là một xu thế phát triển hiện nay ở các quốc gia phát triển.
Theo Ủy ban châu Âu, TP thông minh cần đạt được 6 lĩnh vực quan trọng: Chính quyền điện tử, bao gồm các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, cải thiện tương tác trong quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ cho người dân tối ưu; Kinh tế thông minh, bao gồm các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, thương mại sáng tạo, hiệu quả và thị trường lao động linh hoạt; Giao thông thông minh, bao gồm các giải pháp hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải thông minh, bảo đảm an toàn, xanh và sạch, tiết kiệm chi phí; Môi trường thông minh, bao gồm các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới tiêu thụ điện, giám sát chất thải ô nhiễm, xây dựng các toà nhà thông minh; Cư dân thông minh, bao gồm các giải pháp phát triển con người không chỉ về nâng cao trình độ học vấn mà còn thúc đẩy tư duy sáng tạo và năng lực đổi mới, cũng như tăng cường tương tác, trao đổi để hướng đến một xã hội mở về thông tin; Cuộc sống thông minh, bao gồm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống của người dân về tiêu dùng (an toàn vệ sinh thực phẩm...), về lối sống (gắn kết cộng đồng, đời sống văn hoá đa dạng), an ninh, an toàn xã hội... và y tế thông minh.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc