Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, sáng ngày 12 tháng 5 năm 2023, tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức “Lễ phát động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”.
Tham dự buổi Lễ phát động có PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam; Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp; Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF-Việt Nam cùng hơn 200 đại biểu đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi cả nước cùng các Sở, Ngành, Đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị trấn và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Các đại biểu phát động "Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam" |
Phát biểu tại Lễ phát động, Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: “Đất ngập nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam chúng ta có khoảng 25 vùng đất ngập nước có thể đáp ứng được các tiêu chí để trở thành các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar. Đến nay, Việt Nam có tổng số là 09 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, đó là: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Côn Đảo, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Ba Bể, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Khu bảo tồn thiên niên đất ngập nước Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen. Vì vậy, để thực hiện việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.”
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại Lễ phát động |
Tại buổi Lễ, ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, phong phú về đa dạng sinh học dưới nước và trên cạn. Trong đó, có một số khu bảo tồn đất ngập nước, phát triển du lịch như: Khu Di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu sinh thái Gáo Giồng... và đặc biệt là khu bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim (là khu Ramsar thế giới, có nhiều loài động vật quý hiếm trong đó có Sếu đầu đỏ), ngoài chức năng bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn là khu bảo tồn những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Tuy vậy, tỉnh Đồng Tháp cũng như một số tỉnh trong khu vực và cả nước đang đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học. Nguyên nhân được xác định do áp lực của gia tăng dân số; quá trình đô thị hóa nhanh; đầu tư hạ tầng xây dựng... làm giảm dần diện tích sinh cảnh tự nhiên, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã vẫn còn xảy ra; các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… đây là mối đe dọa lớn và làm suy giảm đa dạng sinh học trong thời gian qua và dự báo sắp tới.
Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Lễ phát động |
Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF-Việt Nam chia sẻ: “Với vai trò rất quan trọng của đất ngập nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nên chúng tôi nhận thức rất rõ ràng rằng việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự ủng hộ, hợp tác và cam kết cùng hành động của chính quyền và người dân địa phương. Nhân đây tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và các sở ban ngành của tỉnh, huyện Tam Nông cũng như Vườn Quốc gia Tràm Chim đã ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong hơn 15 năm qua trong việc triển khai các dự án hợp tác về bảo tồn và phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng ở ĐBSCL nói chung và đặc biệt là tại Vườn Quốc gia Tràm Chim Chim tỉnh Đồng Tháp của chúng ta đây.”
Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF-Việt Nam |
Cũng tại Lễ phát động, ông Cao Minh Tuấn cùng các nhà quản lý, chuyên gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi sự chung tay, cùng vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung cùng tham gia đồng hành với Ban Tổ chức Lễ phát động để cùng Chung tay hành động bảo tồn các vùng đất ngập nước của Việt Nam.
Cùng với hoạt động này, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, WWF-Việt Nam, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam” và “Lễ ký cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim” tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 5 năm 2023.
Một số hình ảnh tại các hoạt động:
Lễ phát động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam
Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam
Lễ ký cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TN&MT
Ý kiến bạn đọc