Thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, chiều 16/10, bão Nesat đã vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Lu-Dông (Philippin), đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2022. Hồi 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo, đến 4h ngày 18/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Bắc, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, sức gió cấp 12-13, giật cấp 15. Đến 4h/19/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, sức gió cấp 11-12, giật cấp 14.
Về tình hình mưa, báo cáo cho biết, từ 19h ngày 15/10 - 19h ngày 16/10, khu vực từ Quảng Bình đến TT.Huế có mưa lớn từ 80-150mm (tập trung từ 19h ngày 15/10 đến 9h ngày 16/10), một số trạm có lượng mưa hơn như: Lệ Ninh (Quảng Bình) 162mm; Hồ Cẩm Ly (Quảng Bình) 148mm; Tà Long (Quảng Trị) 98mm; TĐ Rào Trăng 4 (Thừa Thiên - Huế) 212mm; Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 151mm.
Mưa đợt từ ngày 13/10-16/10, khu vực từ TT.Huế, Đà Nẵng mưa rất lớn từ 500-800mm (tập trung trong đêm 14/10 đến sáng 15/10); các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam có mưa lớn từ 300-500mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Khe Tre (T.T Huế) 859mm; Thủy điện Rào Trăng 4 (T.T Huế) 894mm; Suối Đá (Đà Nẵng) 831mm; Đà Nẵng (Đà Nẵng) 710mm.
Theo báo cáo nhanh số 384/BC-CQTT ngày 17/10 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 17/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.248 tàu/222.313 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh, trong đó 50 tàu/489 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Quảng Nam 28 tàu/290 lao động; Quảng Ngãi 20 tàu/184 lao động; Bình Định 2 tàu/15 lao động).
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, trên hệ thống Giám sát tàu cá (VMS – TCTS), tính đến 7h00 ngày 17/10/2022, không có tàu cá nào nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 6 trong 24h giờ tới. Từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng có 144.400 ha, 23.002 lồng bè, 3.906 chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Về tình hình hồ chứa thủy lợi, báo cáo cho biết, khu vực Bắc Trung Bộ hiện có 2.323 hồ, dung tích từ 62-98% dung tích thiết kế; 1.319 hồ đầy nước: Thanh Hoá: Có 320/610 hồ; Nghệ An: 962/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 25/346 hồ; Quảng Bình: có 7/153 hồ; Thừa Thiên Huế 5/56 hồ đầy nước.
Khu vực Nam Trung B có 517 hồ, dung tích đạt 59-87% dung tích thiết kế; 350 hồ đầy nước: Đà Nẵng 19/19 hồ; Quảng Nam 55/73 hồ; Quảng Ngãi 65/118 hồ; Bình Định 22/160 hồ; Phú Yên 36/50 hồ; Khánh Hòa 5/28 hồ; Ninh Thuận 8/21 hồ; Bình Thuận 40/48 hồ đầy nước.
Tổng hợp thiệt hại ban đầu đợt mưa lũ 13-16/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, đã có 6 người chết (Đà Nẵng: 2 người; Quảng Nam: 1 người; TT.Huế: 2 người; Quảng Trị: 1 người); 9 nhà bị sập, đổ, 26 nhà bị thiệt hại; 1.015ha hoa màu bị ngập, hư hại; 121,5ha thủy sản bị thiệt hại; 313 con gia cầm bị chết.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, phát biểu kết luận, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 32/CĐ-QG ngày 12/10/2022 và số 34/CĐ-QG ngày 16/10/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Thành đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm trên biển.
Đồng thời, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng phải chủ động phương án, kịch bản ứng phó với bão số 6. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục rà soát các khu vực xung yếu để có phương án đảm bảo an toàn. Cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lũ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình với Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.