Xử lý dự án treo nhưng không làm thất thoát tài sản của Nhà nước
Giải trình về vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng đồng tình, thống nhất với ý kiến các Đại biểu về việc lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ dự án treo trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ trưởng, ý kiến các đại biểu về những vấn đề tồn tại bất cập đã được chỉ ra khi tổng kết Nghị quyết 19, xây dựng Nghị quyết 18 và trong báo cáo tổng kết về Luật Đất đai. Trước đây, chúng ta có 28.155 ha tại các dự án chậm tiến độ, hiện đã giải quyết được trên 10.000 ha, như vậy vẫn còn 18.000 ha chưa xử lý.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, thứ nhất là do chậm giải phóng mặt bằng. Thứ hai là do các quy hoạch thay đổi. Thứ ba là do các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án kém năng lực. Thứ tư, trong quá trình xử lý các vấn đề về pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan có những khoản chồng chéo; ngoài ra dự án chậm là có những dự án có đã vi phạm pháp luật, hoặc có kết luận của thanh tra, Tòa án, hoặc ý kiến Ủy ban Kiểm tra…
Để giải quyết các dự án tồn tại do lịch sử để lại, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã lập một Đề án để tập trung xử lý tại 4 thành phố có khoảng 2.000 dự án chậm tiến độ, từ đó, sẽ đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết thời gian tới. Trong đó, những vấn đề lớn sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị giao cho các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.
Với góp ý của các Đại biểu trong những nội dung vướng mắc về lĩnh vực đất đai Bộ trưởng cho biết, sẽ được nghiên cứu tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, từ nay đến năm 2024, để giải quyết vấn đề này cần ban hành các Nghị quyết theo thẩm quyền của Quốc hội hoặc Nghị định theo thẩm quyền của Chính phủ, hoặc các quy định của địa phương, từ đó sẽ đưa ra một cơ chế để giải quyết những vấn đề tồn tại vướng mắc, phổ biến hiện nay. Theo Bộ trưởng, trên cơ sở Đề án đã áp dụng đối với 4 tỉnh, thành phố, sau đó, sẽ xem xét, tính toán với các địa phương khác trong cả nước. “Trên cơ sở phải bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của Nhà nước; không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm; không làm ảnh hưởng đến người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải trình về vấn đề tránh lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách đất đai, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tập trung rất cụ thể vào vấn đề như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất… hầu hết các phương thức giao đất sẽ đấu thầu, đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch. Bởi việc định giá hiện nay theo quy định của Luật Đất đai gồm khung giá, bảng giá và định giá cụ thể nhưng khung giá, bảng giá hiện không sát thị trường do cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập và không đầy đủ, chính xác.
Do đó, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp định giá trên cơ sở xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như: cơ sở dữ liệu về đất đai, giá đất, quy định về các hợp đồng, quy định chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch và đăng ký đối với người dân… mới giải quyết được vấn đề này.
Định hướng phát triển để đồng hành cùng thế giới thích ứng BĐKH
Trao đổi về vấn đề BĐKH mà các đại biểu nêu lên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, vấn đề BĐKH đang trở nên hết sức cấp thiết và ngày càng phức tạp nếu chúng ta không có những quyết định kịp thời. Do đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà những gì mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ tại COP26 vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam vừa là hướng phát triển trong tương lai của đất nước để thích ứng với BĐKH.
Về pháp lý, hiện nay, Việt Nam đã có Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về thích ứng BĐKH…, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn với lộ trình chi tiết thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính,…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành họp bàn với các nước để đàm phán chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sơ đồ điện VIII theo hướng tăng cơ cấu năng lượng tái tạo…, Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những hành động kịp thời này của Việt Nam đã theo kịp với hướng chuyển dịch của thế giới và sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng được các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng cacbon thấp, chuyển đổi xanh, tận dụng được nguồn tài chính xanh. “Riêng nguồn năng lượng gió ngoài khơi, theo tính toán sơ bộ Việt Nam đang có tiềm năng gấp 5 lần nhu cầu sự dụng điện hiện nay và Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện đề án COP26, đàm phán với các nước phát triển, đặc biệt là các nước G7 để có thể chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn tài chính xanh…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ nay cho đến năm 2025 sẽ áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2020 mà Quốc hội đã thông qua để tăng cường nguồn lực đầu tư Nhà nước, thu hút đầu tư xã hội cho bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
"Từ nay tới 2025, chúng tôi sẽ đưa ra các mô hình chuyển đổi công nghệ, các dự án về hạ tầng môi trường. Chúng ta cũng sẽ đấu giá đầu tư chọn công nghệ. Tương tự các đại biểu nói về nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, đây là đối tượng mà Nhà nước tạo quỹ đất không thu tiền để giá nhà ở xã hội, giá nhà sinh viên phù hợp"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Báo TNMT