Tin tức - Sự kiện

Đối tác Quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu Net-zezo và chuyển đổi năng lượng

08:39, 14/09/2022

Tham dự tại Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, đại diện Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc Bộ, các đối tác quốc tế.

small_bt-phat-bieu.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì hội nghị

Hội nghị này nhằm trao đổi, đối thoại, chia sẻ, làm rõ các ưu tiên của Việt Nam để các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển huy động nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 trên cơ sở tiếp cận công bằng, công lý, gắn kết với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo hướng phát thải các-bon thấp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, để thực hiện được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam cần sự hỗ trợ của công đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam còn gặp khó khăn vấn đề về nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới như công nghệ để đảm bảo được an ninh, cân bằng các nguồn điện khi kiểm tra năng lượng tái tạo, công nghệ thu giữ các-bon, công nghệ sản xuất nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tài chính cũng là vấn đề cần được chú ý để giúp thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

small_ttr-thanh-dieu-hanh.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành điều hành hội nghị

Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26), trong các cuộc tiếp xúc cấp cao và qua nhiều hình thức khác, liên hợp quốc và các đối tác phát triển trong quá trình trao đổi với các Bộ, ngành đều bày tỏ sẵn sàng tham gia hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng.

Trong đó, các đối tác như Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và các đối tác phát triển bao gồm Vương quốc Anh, Đan Mạch, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Úc, New Zealand, Phần Lan, Hà Lan, Hoa Kỳ; UNEP, WB, ADB, IFC, WWF, UNDP, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI), Đối tác NDC (NDCP), các định chế tài chính quốc tế như Citi Bank, HSBC, BIDV dự kiến sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về: Chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; phát triển thị trường các-bon; Kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tài chính, chuyên gia; hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải và thích ứng với BĐKH

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau hội nghị COP26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các hoạt đồng như: Triển khai cập nhập Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) năm 2022; Xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; Tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu 2050; Chương trình hoạt động về chuyển đổi năng lượng xanh;…

small_toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội nghị chiều 13/9

Tại hội nghị, Bộ trưởng mong muốn các đối tác quốc tế sẽ chia sẻ, cho ý kiến đối với các nội dung hợp tác cụ thể các đối tác dự kiến hợp tác với Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; Đưa ra các sáng kiến của các Đối tác phát triển để thực hiện cam kết theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, kiến nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26.

dbpb_1ds-eu.jpg
Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu phát biểu

Trước những thông tin từ Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại diện Liên minh Châu Âu cho biết, Cơ chế tài chính, chính sách để huy động vốn đóng vai trò rất quan trọng để tạo tiền đề cho sự phát triển các mục tiêu sau này, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh tế.

Đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng, Đại diện Italia cũng cho biết, bên cạnh vấn đề tài chính, việc phát triển khoa học công nghệ và nâng cao giáo dục sẽ hỗ trợ cho vấn đề chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Đại diện Ngân Hàng Thế giới Việt Nam cho rằng đây là hành trình với nhiều khó khăn có rất nhiều yếu tố mới, có nhiều thách thức, cơ hội trong việc triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng.

dbpb_12-wb.jpg
Đại diên Ngân hàng thế giới phát biểu

Theo báo cáo về biến đổi khí hậu, đã có mối liên hệ với cam kết các yếu tố về kinh tế, sẽ có những thay đổi, đặc biệt Việt Nam cần có những chính sách tốt để hỗ trợ những nhóm yếu thế. Đối với vấn đề tài chính, Việt Nam cần có những con số cụ thể để có thể huy động được những nguồn lực từ các bên khác nhau với mức chi phí hợp lý.

Tại Hội nghị, đa phần các đối tác quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, các đối tác cũng nhấn mạnh Việt Nam cần có xây dựng chính sách cụ thể, cần nâng cao đào tạo trong khoa học và công nghệ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông đảm bảo công khai, minh bạch cho các bên có liên quan.

small_bt-phat-bieu4.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kết luận hội nghị

Trước các ý kiến đóng góp của các đối tác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam sẽ tiếp thu và đưa ra những khung chính sách chung để cùng với các đối tác quốc tế cùng triển khai thực hiện. Cùng các chính sách, định hướng từ phía Việt Nam đã được xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện thời gian qua cùng với sự đồng hành của các đối tác quốc tế cho thấy sự quyết tâm cao và rất quyết liệt của Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, đồng thời kỳ vọng sẽ có được kết quả như mong muốn.

Theo náo TNMT