“Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100km xung quanh mắt bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 4 có cường độ trên cấp 13, giật 17 khi vào gần bờ biển miền Trung”, Tổng cục KTTV cho biết.
Theo Tổng cục KTTV, sáng 26/9, do mức độ nguy hiểm của bão số 4, ngay khi vào Biển Đông, Tổng cục đã phát tin Bão khẩn cấp và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 4, mức rất cao đối với 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Dự báo bão số 4 có thể mạnh thêm trong 12h tới, đạt cấp 14-15, giật 17. Khi đổ bộ gió mạnh cấp 12-13, giật 15. Ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên từ khoảng tối ngày hôm nay (27/9).
“Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam”, Tổng cục KTTV nhận định.
Cơ quan dự báo cho biết, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 13-14, có khả năng đạt cấp 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8-10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.
Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 4.
Khoảng đêm nay đến sáng 28/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12-13, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3-4m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Cảnh báo về gió mạnh, mưa, lũ trên đất liền, cơ quan dự báo cho biết, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 này là rất rộng. Có 9/14 tỉnh thành phố miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.
“Dự báo, từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm 27/9 đến sáng ngày 28/9”, cơ quan dự báo nhận định.
Theo Tổng cục KTTV, dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt: Tại Thừa Thiên Huế có 4/8 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3-0,6m.
Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Tổng cục KTTV khẳng định, công tác dự báo phục vụ cơn bão số 4 đã được triển khải rất sớm và nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chỉ đạo sát sao đối với các đơn vị dự báo KTTV.
Toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc KTTV của Tổng cục KTTV, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đang hoạt động ổn định và sẵn sàng quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 4.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và Hệ thống giám sát tài nguyên nước, trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối và truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.