Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch COP26 Alok Sharma tại Việt Nam sau cuộc gặp tại Thủ đô London nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh vào tháng 6 vừa qua; hoan nghênh ngài Alok Sharma trở lại thăm Việt Nam để trao đổi về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và một số đối tác phát triển.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, đây là chuyến thăm thứ 3 đến Việt Nam trong 18 tháng qua, thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và chia sẻ đã có rất nhiều cuộc thảo luận với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về: Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia của Việt Nam; các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào năm 2030, tổng sơ đồ Điện VIII, thực hiện các cam kết Net zero vào năm 2050...
Theo Chủ tịch COP26, an ninh năng lượng là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng như hiện nay, tất cả các quốc gia đều đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu năng lượng để duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Hiện nay, một số quốc gia của Liên minh châu Âu đã có các chính sách để ứng phó với khủng hoảng năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tức thời cũng như thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu đạt 100% các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Chủ tịch COP26 cũng cho biết đã trao đổi và thống nhất với phía Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo liên quan đến các vấn đề kỹ thuật về chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới; cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy lộ trình giảm điện than càng nhanh càng tốt vì điều này không chỉ mang lại các lợi ích về môi trường mà còn có các lợi ích về kinh tế.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm đến việc đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới, các nhà máy sản xuất và chế tạo mới tại Việt Nam, trong đó cân nhắc việc sử dụng năng lượng tái tạo. Cho rằng đây là tín hiệu tốt của các nhà đầu tư trong việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, Chủ tịch COP26 mong muốn, Việt Nam xây dựng và ban hành Quy hoạch Điện VIII một cách hợp lý nhất và xem xét sửa đổi, cập nhật các văn bản pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia các lĩnh vực này cũng như có thể tiếp cận được các nguồn tài chính xanh với lãi suất ưu đãi.
Chủ tịch COP26 hy vọng Việt Nam và các đối tác sẽ chung tay hiện thực hoá Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng vì chương trình này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp Việt Nam và các đối tác thực hiện các cam kết đã đưa ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam không chỉ là một trong những quốc gia đi đầu, là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà còn là một trong những quốc gia đầu tiên đề xuất và đưa khung khổ phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào khung khổ phát triển quốc gia. Là quốc gia bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam ý thức sâu sắc về những việc phải làm để thích ứng và giảm bớt tác động tiêu cực của biến đối khí hậu. Do đó, Việt Nam đã đưa ra những cam kết hết sức mạnh mẽ tại COP26, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hành động nhằm thực hiện cam kết này. Chính phủ Việt Nam đã thông qua Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh,giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia và các quy hoạch quốc gia khác, trong đó có Quy hoạch Điện VIII.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các nước, trong đó có Vương quốc Anh đã chọn Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất để thiết lập Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; hoan nghênh đề xuất của Chủ tịch COP26 về việc tổ chức hội thảo kỹ thuật về chuyển đổi năng lượng và cho rằng, đây là cơ hội để các bên lắng nghe nhau và chia sẻ các kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế.
Phân tích các thách thức đặt ra trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là vấn đề công nghệ, thể chế, chi phí, áp lực đối với người dân, doanh nghiệp cũng như một số hệ luỵ của điện gió, điện mặt trời..., Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tính toán hết sức cẩn trọng giữa mục tiêu dài hạn và lộ trình, bước đi cụ thể. Nên chăng cần có một chương trình hành động quốc tế về chuyển đổi năng lượng để phối hợp hành động giữa các quốc gia? Gợi mở vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nước G20, G7 chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vấn đề này, chia sẻ công nghệ sản xuất năng lượng sạch, năng lượng xanh, hỗ trợ nguồn lực... góp phần để các nước còn khó khăn tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức. “Chuyển đổi năng lượng là bài toán rất khó nên cần phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, một mình Việt Nam không thể làm được. Chúng ta cần trao đổi kỹ lưỡng, cởi mở, công bằng và thật sự khách quan, tăng cường sự tin cậy, lắng nghe lẫn nhau để những nước đi sau có thể thực hiện được”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhất trí và đánh giá cao yếu tố “công bằng” trong Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ nội hàm của cam kết này để tổ chức thực hiện hiệu quả.
"Cam kết tại COP26 là cam kết hết sức trách nhiệm, Việt Nam sẽ kiên trì, quyết tâm tổ chức thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Quốc hội Việt Nam sẽ cùng với Chính phủ bàn kỹ câu chuyện này. Hiện chúng tôi đã có kế hoạch hành động cả về thiết kế các khung khổ pháp lý, quy hoạch, phân bổ nguồn lực quốc gia, giám sát thực hiện để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch COP26 cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP26. Bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về yếu tố “công bằng” trong chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch COP26 cũng cho biết các cơ quan chuyên môn đang rất nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và một số đối tác phát triển.
Theo daibieunhandan.vn