Tham dự buổi Lễ Ký kết, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các Thứ trưởng: Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía Đài truyền hình Việt Nam (VTV) có Tổng Giám đốc Lê Ngọc Quang cùng các Phó Tổng giám đốc: Đinh Đắc Vĩnh, Đỗ Thanh Hải cùng các cán bộ chủ chốt Đài truyền hình Việt Nam.
Theo đó, Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, toàn diện, hiệu quả giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài Truyền hình Việt Nam trong công tác thông tin, tuyên truyền về quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tạo sự đồng thuận, tham gia của toàn xã hội trong quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ đa ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về 09 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; địa chất và tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; viễn thám. Đây là những lĩnh vực quản lý nguồn lực đầu vào của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, sự phát triển bền vững của đất nước. Từng chủ trương, từng chính sách cũng như hoạt động chỉ đạo điều thành đều được dư luận xã hội và nhân dân hết sức quan tâm. Đặc biệt những vấn đề như môi trường, khí hậu, đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo đều là những vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân; sự tham gia hưởng ứng của nhân dân quyết định sự thành công và vai trò của truyền thông là hết sức quan trọng.
“Trong những năm qua, với sự đồng hành hỗ trợ của Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí các chủ trương, chính sách, pháp luật Đảng và Nhà nước về tài nguyên và môi trường được được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến với người dân và doanh nghiệp tạo sự đồng thuận của xã hội; chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với ngành Tài nguyên và Môi trường để từ đó giúp ngành thực hiện tốt vai trò của mình trong phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững; chủ động tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Trong giai đoạn tới, để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các Chính sách pháp luật, hội nhập quốc tế của đất nước như triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 thích ứng với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường… những nội dung này hướng đến sự tham gia của toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng về nhận thức thì vấn đề truyền thông là hết sức quan trọng. Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc ký kết Chương trình phối hợp sẽ thúc đẩy sự gắn kết, hiệu quả giữa Đài truyền hình Việt Nam với ngành Tài nguyên và Môi trường trong công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội; lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ nhân dân, doanh nghiệp… để xây dựng, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hài lòng của nhân dân.
Phát biểu tại buổi Ký kết, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm tốt hơn việc định hướng tư tưởng, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh, an toàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi), sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hay những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến đời sống người dân như thông tin thời tiết, môi trường, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học…, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Quang cam kết, Đài truyền hình Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hai bên cùng nhau xây dựng các kịch bản, kế hoạch hành động, hai bên cần phổ biến, tổng kết kinh nghiệm quản lý, các mô hình, kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, dự báo xu hướng phát triển trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… từ đó đưa ra các chương trình truyền thông, phát trên các nền tảng đa dạng của VTV tới đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận thống nhất cao.
Chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 đặt ra yêu cầu:
Thiết lập cơ chế đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, thống nhất giữa hai cơ quan và giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan; đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, tạo điều kiện hỗ trợ nhau tối đa để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ động, hiệu quả trong công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức phù hợp đảm bảo đúng định hướng về các vấn đề cấp thiết, bức xúc, nhạy cảm; hỗ trợ trong việc định hướng, phản hồi dư luận một cách kịp thời.
Hai bên sẽ tập trung xây dựng nội dung phối hợpTuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Tuyên truyền quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng về nhận thức và hành động bảo vệ môi trường.
Thông tin tuyên truyền về khí tượng thủy văn, chủ động trong phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuyên truyền về cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Truyền thông về những thành tựu, đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nâng cao đời sống cho nhân dân; các sự kiện trong nước và quốc tế, hoạt động nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường.