Tham dự diễn đàn có: Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội; GS, TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; bà Lê Thị Minh Hoa, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân, Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường; PGS, TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia Môi trường Cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; PGS, TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường; TS. Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường; ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường & Cuộc sống; ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; bà Tạ Thị Thu Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, cùng các nhà quản lý, khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan…Tham dự trực tuyến tại 86 điểm cầu trên cả nước, có đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường và các công ty về môi trường…
Nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022, để định hướng các địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, đầu tư, xử lý chất thải hướng đến phát triển bền vững, diễn đàn như một thông điệp để cùng nhau xây dựng cuộc sống an toàn, trách nhiệm với môi trường và thân thiện với thiên nhiên, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, điễn đàn cũng là thông điệp gửi đến doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân cùng nhau hành động vì môi trường.
TS. Đào Xuân Hưng, Trưởng ban tổ chức cho biết: Thông điệp của diễn đàn môi trường năm 2022 nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân.
Sau diễn đàn này, Tạp chí mong muốn kết nối được nhiều doanh nghiệp phát triển chung tay đồng hành với đất nước trong phát triển kinh tế, chia sẻ có trách nhiệm với cộng đồng xã hội bằng những hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể quan trọng trong việc quản lý chất thải, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội phát triển văn minh.
Báo cáo tại diễn đàn cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000-70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.
Xoay quanh nội dung “Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp” đã nhận được nhiều đồng tình của các nhà quản lý, doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện rõ trong các tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan, WB,… tại Việt Nam, nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp môi trường và xử lý chất thải đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn và rác thải sinh hoạt. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thông tin cụ thể những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với quản lý và xử lý chất thải.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lưu Bình Nhưỡng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, vấn đề môi trường đã được đề cập rất nhiều trong hoạt động thiết kế chính sách, lập pháp của Quốc hội cũng như trong quá trình giám sát. Việc tổ chức diễn đàn hôm nay là sự đóng góp lớn về chính trị, chính sách, tiếp cận với hơi thở cuộc sống để giúp cho người dân, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp làm tốt hơn với vấn đề môi trường.
Hiện Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về môi trường, vì vậy không thể vì phát triển, lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá cao một số bài tham luận của diễn giả, trong đó có một số diễn ra quốc tế đã đưa ra những nhận định và cam kết trong việc trách nhiệm với bảo vệ môi trường. Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, chất thải cũng là một sản phẩm có giá trị, được sản xuất bằng những công nghệ tầm cao của con người và nếu biết sử dụng, quan trọng là thái độ sử dụng và nhìn nhận nó và xử lý nó như thế nào với là vấn đề quan trọng. Chất thải cũng là một mỏ vàng để doanh nghiệp khai thác, xử lý, tái chế hiệu quả.
PGS, TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh về thực tiễn môi trường ở nước ta, số lượng chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam đang ở mức báo động. Các địa phương có khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 30% (trong đó có Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày, thành phố Hồ Chí Minh 8.900 tấn/ngày).
Nước ta đã có những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong BVMT nói chung, quản lý chất thải nói riêng. Theo quy định tại Chương VI của Luật BVMT năm 2020, các tổ chức, cá nhân, bao gồm các doanh nghiệp phát sinh chất thải phải có trách nhiệm quản lý chất thải thông qua việc áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Luật thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường, trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vì vậy, qua diễn đàn này, như một thông điệp chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp cùng nhau hướng đến phát thải bằng 0.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải đồng thời cần có chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải.
Dưới góc nhìn và chia sẻ của doanh nghiệp nước ngoài, ông Hideki Wada, Giám đốc Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam đã có bài phát biểu về hệ thống quản lý chất thải tại Việt Nam và đề xuất những phương án thay đổi theo kinh nghiệm của Nhật Bản. Cụ thể như việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại các siêu thị, Nhật Bản đã áp dụng lệ phí theo lượng thải để giảm thiếu khối lượng phát thải. Người Nhật có tính nguyên tắc rất cao, và người Nhật Bản đã thực hiện Hệ thống quản lý rất nghiêm túc. Ông đưa ra kinh nghiệm thu phí như: Phân loại rác thải, hướng dẫn người dân phân loại rác, áp dụng thu phí theo lượng phát thải.
Một trong những định hướng trong thời gian tới cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp ở Việt Nam, GS, TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tich Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Luật BVMT 2020, điều 78 đã nêu rất rõ yêu cầu về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Yêu cầu về công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm tính tiên tiến, thỏa mãn các yêu cầu về kĩ thuật công nghệ, về hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường ngày càng trở nên cấp thiết.
Hoạt động KH&CN trong BVMT giữ một vị trí quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác BVMT, trong đó có công nghệ xử lý CTRSH. Trong những năm vừa qua, các hoạt động khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện hay lựa chọn các công nghệ khuyến khích áp dụng phù hợp các điều kiện Việt Nam đã được triển khai, song còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặc biệt khi luật BVMT 2020 đã có hiệu lực thi hành.
Các giải pháp công nghệ tiên tiến (CNTT) trong xử lý CTRSH còn chậm được áp dụng vào thực tế. Để có thể phát triển công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của thế giới, cần đẩy mạnh hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ một cách hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý CTRSH; Rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý CTRSH đang hoạt động một cách hiệu quả là trách nhiệm của các nhà khoa học, kỹ sư tâm huyết với công nghệ môi trường góp phần vào phát triển bền vững đất nước.
Cũng tại diễn đàn, rất nhiều diễn giả, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm và đề xuất phương án xử lý CTRSH.
Kết luận diễn đàn, thay mặt Ban tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong, với chức năng của mình, Tổng cục Môi trường; Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mong muốn thông qua diễn đàn này, góp phần Truyền thông chính sách nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì cuộc sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số.
Theo Tạp chí TNMT