Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện đang hỗ trợ hơn 100 các cơ quan, đơn vị bao gồm các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố và bệnh viện thực hiện các hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá. 9 năm từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Mô hình điểm về tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng
Một trong những kết quả nổi bật là công tác tư vấn cai nghiện. Quỹ đã hỗ trợ thành lập Tổng đài miễn phí tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại 2 khu vực gồm phía Bắc là Tổng đài đặt tại Bệnh viện Bạch Mai – TP. Hà Nội (1800 - 6606) và phía Nam là Tổng đài tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TP Hồ Chí Minh (1800 - 1214). Giai đoạn 2015- 2020, Tổng đài đã tiếp nhận 44.665 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Bên cạnh việc tư vấn qua tổng đài, Quỹ cũng đã hỗ trợ thành lập và duy trì phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại 10 bệnh viện gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Y học cổ truyền TW, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa TW Quảng Nam, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ.
Theo thống kê của Quỹ, đến hết năm 2020, đã có 100.244 lượt bệnh nhân được tư vấn ngắn và 6.944 lượt bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, lập hồ sơ theo dõi cho 5.274 bệnh nhân trong đó có 870 người cai nghiện thành công từ 1 năm trở lên.
Đáng chú ý, mô hình điểm về tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng cũng đã được Quỹ triển khai thông qua việc phối hợp với bệnh viện Bạch Mai thiết lập mô hình phòng khám, tư vấn cai nghiện thuốc lá lồng ghép vào phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản thí điểm tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, đồng thời củng cố và duy trì 8 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ năm 2015 đến nay, công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá đã có những kết quả đáng khích lệ. Hành lang pháp lý và văn bản hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, các hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá đã được xây dựng và tổ chức thực hiện. Các thông tin các bệnh nhân cai nghiện thuốc lá đều được quản lý dữ liệu trên phần mềm quản lý và theo dõi người cai nghiện thuốc lá. Phần mềm giúp hỗ trợ tư vấn viên quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả của cuộc gọi đến; lưu hồ sơ bệnh án, và cung cấp số liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. 6.851 người tham gia chương trình tư và được tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, trong đó có 1.111 người đã cai nghiện thành công.
Chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá
Không chỉ đạt được những kết quả tích cực trong công tác tư vấn cai nghiện, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã triển khai các nhóm hoạt động để thực hiện nhiệm vụ của Quỹ về “Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá”.
Theo đó, Quỹ thực hiện các nghiên cứu về tác động của việc trồng cây thuốc lá đối với sức khỏe của nông dân, môi trường; nghiên cứu đánh giá thực trạng vùng trồng cây thuốc lá, hiệu quả kinh tế trồng cây thuốc lá tại các tỉnh, thành phố của nước ta; tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng sức khỏe, môi trường từ việc trồng cây thuốc lá.
Quỹ cũng đánh giá thực trạng chuyển đổi ngành nghề trồng cây thuốc lá tại các tỉnh, thành phố và các yếu tố liên quan đến việc chuyển đổi trồng cây thuốc lá; nghiên cứu, đánh giá các mô hình chuyển đổi hiệu quả và phù hợp tại các vùng trồng cây thuốc lá và đề xuất mô hình và lộ trình chuyển đổi ngành nghề; xây dựng thí điểm các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá.
Quỹ đã phối hợp với Trường đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá tác động của việc trồng cây thuốc lá đến kinh tế và sức khỏe của người trồng cây thuốc lá”.
Ngoài ra, Quỹ đã hỗ trợ các tỉnh tổ chức 108 lớp tập huấn cho 4.656 nông dân về tác hại thuốc lá và hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương... Công tác truyền thông cũng được lồng ghép trong các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; hỗ trợ Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đánh giá thực trạng trồng cây thuốc lá tại 7 tỉnh, thành phố trồng nhiều cây thuốc lá nhất và thực hiện đánh giá thực trạng về kinh tế hộ gia đình trồng cây thuốc lá và đề xuất một số giải pháp chuyển đổi ngành nghề.
Đồng thời, Quỹ đã xây dựng Đề án chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với 2 nhóm giải pháp: Truyền thông nâng cao nhận thức gắn với chuyển đổi ngành nghề trồng cây thuốc lá; đề xuất phương án chuyển đổi cây trồng, dự kiến cây Na, một cây trồng thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn sẽ được thí điểm thay thế cho cây thuốc lá tại thị trấn Đồng Mô và 4 xã: Thượng Cường, Vạn Linh, Y tịch, Hòa Bình trong thời gian 4 năm (2022-2025).
Theo Báo TNMT