PV: Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Chỉ một trái đất” (Only One Earth), xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này?
TS Nguyễn Ngọc Sinh:
Tôi nhớ rõ, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức mít tinh nhân Ngày Môi trường thế giới là ngày 5/6/1982, cách nay tròn 40 năm. Mỗi năm lại có 1 chủ đề - thông điệp. Vì là thông điệp, nên thường rất ngắn gọn, nên việc dịch từ nguyên bản, thường là tiếng Anh, Pháp, Nga,... cũng rất khó. Năm nay là “Only one Earth” - Bộ TN&MT dịch là “Chỉ một Trái đất”, nhiều hội viên VACNE cho là nên hiểu “Chỉ có một Trái đất”. Nghĩa rộng nhắc nhở chúng ta rằng, phải trân trọng, phải bảo vệ Trái đất, bảo vệ ngôi nhà chung, duy nhất của chúng ta. Sâu xa hơn có thể liên quan tới nhiều kết luận nghiên cứu khoa học được công bố ví von rằng, nếu không thay đổi lối sống không bền vững như hiện nay, nếu phí phạm tài nguyên như hiện nay thì chúng ta sẽ phải cần tới 2 - 3 Trái đất, hay là chỉ sống được khoảng 50% thời gian trong năm.
Vì vậy, thông điệp năm nay nhắc nhở ta phải nhớ rằng, phải thay đổi đi, phải xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phải thực hiện cho tốt Chương trình nghị sự XXI - Chiến lược vì sự thay đổi mà Hội nghị của Liên hợp quốc “Môi trường và Phát triển” đã đề ra tại RIO (Braxin) từ năm 1992.
PV: Trước thực trạng môi trường đang đối mặt với ô nhiễm và suy thoái trầm trọng, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
TS Nguyễn Ngọc Sinh:
Ở tầm vĩ mô, chúng ta, các bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, cộng đồng, tùy thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, sinh sống của mình phải nỗ lực thực hiện tốt nhất các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp liên quan về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó BĐKH như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020,… hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững đất nước, đồng thời đóng góp vấn đề môi trường toàn cầu.
Trong đó, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực. Theo đó, đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế, ngăn ngừa và giảm tác động môi trường.
Cuối cùng, điều cần nhấn mạnh là chúng ta phải coi trọng và phát huy tốt hơn nữa trên thực tế vai trò của cộng đồng, vai trò của người dân trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, điều đã được nhấn mạnh trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.
PV: Trong những năm qua, Hội đã thực hiện các hoạt động gì góp phần bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thưa ông?
TS Nguyễn Ngọc Sinh:
Hội VACNE được thành lập từ năm 1988. Các hội viên luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường (BVTNMT) trong nhân dân, góp phần đưa nội dung BVTNMT vào chương trình giảng dạy trong các trường học. Vận động nhân dân thực hiện đúng luật pháp, tích cực đóng góp công sức cho các hoạt động BVTNMT và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và chủ động ứng phó với BĐKH, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về BVTNMT.
Bên cạnh đó, huy động và tổ chức hội viên tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách, luật pháp và biện pháp liên quan đến BVTNMT; thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các cơ quan Nhà nước và các tổ chức kinh doanh, về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội khi được yêu cầu. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, trình độ kiến thức và khả năng của hội viên trong công tác BVTNMT, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về BVTNMT.
Cụ thể, Hội đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khoa học về “BĐKH toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam”, về “Bảo tồn đa dạng sinh học dẫy Trường Sơn”, gần đây là hội nghị quốc tế “Tác động của ô nhiễm môi trường lên đa dạng sinh học và sức khỏe con người” trong điều kiện đai dịch Covid-19,... Mỗi năm, chúng tôi phấn đấu xuất bản tối thiểu một đầu sách quý của Hội. Đặc biệt, từ năm 2010 tới nay, chúng tôi phát động và duy trì sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” mang nhiều ý nghĩa, góp phần phát huy vai trò và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Hy vọng rằng, những kết quả hoạt động khiêm tốn của VACNE sẽ góp phần xây dựng và phát triển lối sống bền vững của Việt Nam trong bối cảnh “Chỉ có một Trái đất” của chúng ta.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT