Sáng 23.3, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ trái đất năm 2022.
Phát biểu khai mạc lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã và đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại.
Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa.
Ước tính kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt; và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm nước ta chống chịu từ 6-7 cơn bão; những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,...
Chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Khí tượng thế giới “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và Chiến dịch giờ Trái đất 2022 “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ”.
"Những chủ đề năm nay có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, tại lễ phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi nhiều thông điệp, chỉ đạo quan trọng, mang tầm chiến lược đối với công tác khí tượng thuỷ văn.
Chủ tịch nước bày tỏ lo ngại khi biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt và thiếu hụt nguồn nước đã và đang hiện hữu khắp các quốc gia, châu lục, trở thành thách thức lớn.
"Dự báo thời tiết không chỉ dừng lại ở thông tin ngày mai thế nào mà dần chuyển sang dự báo tác động lâu dài. Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu với nhiều loại thiên tai. Tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế số với phát thải thấp. Các bộ, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo quá trình chuyển đổi" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Cũng tại lễ phát động, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần phát huy vai trò nòng cốt để tiếp tục xây dựng đầu tư hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời kêu gọi người dân, tổ chức xã hội hãy là chủ thể quan trọng nhất đoàn kết chung sức đồng lòng bảo đảm thành công của tiến trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo laodong.vn