Sự kiện bắt đầu khai mạc từ 9h15 ngày 02 tháng 11 năm 2021 tại Phòng Toàn thể Pen Y Pan của Hội nghị. Sự kiện do Thủ tướng Vương quốc Anh khai mạc và phát biểu của một số quốc gia nhằm thể hiện nỗ lực của thế giới nhằm bảo vệ và phục hồi rừng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Sự kiện về Rừng và Sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị COP26 |
Phát biểu tại Sự kiện về Sáng kiến về Rừng và sử dụng đất, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson cho biết: Chúng ta không thể đối phó với sự mất mát nghiêm trọng của môi trường sống và các loài mà không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và chúng ta không thể ứng phó với biến đổi khí hậu mà không bảo vệ môi trường tự nhiên của chúng ta và tôn trọng quyền của người dân bản địa. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và chấm dứt vai trò của loài người với tư cách là người chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người bảo vệ thiên nhiên. Và không có nhiệm vụ nào cấp bách hơn để hoàn thành sứ mệnh này hlà ngăn chặn sự tàn phá của những khu rừng của chúng ta. “Vì vậy, nếu chúng ta muốn giữ mục tiêu không tăng quá 1,5 độ C, chúng ta phải bảo vệ và phục hồi các khu rừng trên thế giới. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được.” - Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson khẳng định.
|
Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson chụp ảnh cùng các nhà Lãnh đạo các quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. |
Ngay sau Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow, 105 quốc gia chịu trách nhiệm về hơn 85% diện tích rừng trên thế giới đã đưa ra cam kết mang tính bước ngoặt để cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Không chỉ dừng lại mà còn phải đảo ngược. Điều đó có nghĩa là nhiều nhà lãnh đạo hơn bao giờ hết đã cam kết để bảo vệ rừng của chúng ta, các quốc gia có rừng ôn đới và nhiệt đới, và bao gồm các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Brazil với một số khu rừng lớn nhất trên thế giới.
Theo đó, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể. Nội dung chính của Tuyên bố tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững. Tuyên bố gồm sáu lĩnh vực hành động:
(1) Bảo tồn và đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn;
(2) Thực hiện các chính sách thương mại, phát triển, sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững không làm mất rừng và suy thoái đất;
(3) Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất, tăng cường khả năng phục hồi và nâng cao sinh kế thông qua trao quyền cho cộng đồng, củng cố hệ thống sở hữu đất, phát triển nông nghiệp bền vững, có lợi nhuận và công nhận tính đa giá trị của rừng;
(4) Thực hiện và nếu cần thiết, điều chỉnh các chính sách và chương trình khuyến khích nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường;
(5) Khẳng định lại các cam kết tài chính quốc tế, tăng đóng góp tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển nông nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi rừng, hỗ trợ cho người dân và cộng đồng địa phương;
(6) Tạo điều kiện thuận lợi liên kết thị trường vốn với thực hiện Thỏa thuận Paris và các mục tiêu quốc tế nhằm đảo ngược tình trạng mất và suy thoái rừng; có chính sách mạnh mẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi và cải thiện rừng, sử dụng đất bền vững, đa dạng sinh học và hoàn thành các mục tiêu về khí hậu. Các quốc gia tham gia Tuyên bố sẽ cùng nỗ lực thực hiện sáu lĩnh vực hành động trên. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có thể lựa chọn lĩnh vực hành động phù hợp với bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.
Theo Báo TNMT