Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đại biểu quốc tế tham dự tại các điểm cầu theo hình thức trực tuyến.
|
GS.TS Trần Thục phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia của Việt Nam về Chương trình Thủy văn quốc tế UNESCO nhấn mạnh: Chương trình Thủy văn quốc tế của UNESCO (IHP) được thành lập vào năm 1975, với trọng tâm của chương trình tập trung vào việc nâng cao kiến thức thủy văn thông qua các hỗ trợ về chương trình nghiên cứu khoa học và giáo dục. Thông qua đó, các Quốc gia thành viên có thể nâng cao kiến thức về chu trình nước, thủy văn và năng lực phát triển nguồn nước.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27, Hội nghị lần thứ 28 được tổ chức với mục đích khuyến khích các nước thành viên đẩy mạnh các nghiên cứu về thủy văn, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước và phối hợp trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó, Hội nghị lần thứ 28 năm nay kết hợp với Hội thảo Phương pháp luận về phân tích thủy văn sẽ tiếp tục cung cấp nền tảng và kiến thức để mở rộng hợp tác trong cộng đồng khoa học quốc tế nhằm giải quyết sâu hơn nữa những vấn đề về thủy văn, an ninh nước.
GS.TS Trần Thục nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng để hiểu rõ được giá trị của nước. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức đối với tài nguyên nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, ngày nước thế giới năm 2021 đã lấy chủ đề “Giá trị của nước”. Nước là nguồn sống của con người, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
Tài nguyên nước Việt Nam tuy phong phú, song phụ thuộc nhiều vào nguồn cấp ngoài biên giới. Trung bình mỗi năm các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỉ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Nhu cầu sử dụng nước đã tăng đến 6 lần trong thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước ngày càng tăng; rừng đầu nguồn bị suy giảm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang tác động sâu sắc tới an ninh nước, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Đảm bảo an ninh nước cũng như nhận thức được giá trị của nước trong bối cảnh biến đối khí hậu và sự gia tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là những thách thức mà chúng ta cần phải giải quyết. Những thách thức này cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau như nhận thức, năng lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, quản lý, thể chế và chính sách... An ninh nước sẽ không được đảm bảo nếu không có giải pháp hữu hiệu để quản lý.
Theo GS.TS Trần Thục, để giải quyết những vấn đề này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý của các quốc gia thành viên.
“Tại hội thảo hôm nay, tôi mong rằng chúng ta sẽ trao đổi, thảo luận những thách thức cũng như đề ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết được vấn đề an ninh nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để nâng cao cơ hội phát triển, áp dụng và triển khai các giải pháp, tiếp cận khoa học và công nghệ nhằm góp phần phát triển hiệu quả và bền vững hơn nữa các phương pháp quản lý nước, đảm bảo an ninh nước.
Hơn nữa, chúng ta cần chủ động tìm kiếm một giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước, hình thành các cơ chế xử lý các vấn đề về an ninh nước; nâng cao nhận thức pháp luật cùng vai trò của các tổ chức xã hội và báo giới đối với vấn đề quan trọng này”, GS.TS Trần Thục nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Zhongbo Yu, Chủ tịch Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới. Hội nghị hôm nay là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, những bài học thành công và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo được an ninh nguồn nước nhằm tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này có bước tiến trong tương lai.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo Chương trình Hội nghị, ngày 24/11, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo Chương trình Thủy văn của nhiều quốc gia như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, đồng thời thảo luận về các nội dung liên quan; Malaysia trình bày ý kiến đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RSC) lần thứ 29 và hội thảo liên quan năm 2022; bầu nước đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RSC) lần thứ 30 và hội thảo liên quan vào năm 2023.
Ngày 25/11, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về Phương pháp luận phân tích thủy văn (CHA) tập II: “Vận hành hồ chứa hướng đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, khan hiếm và suy giảm chất lượng nước” và thảo luận các vấn đề được quan tâm.
Theo Báo TNMT