Tin tức - Sự kiện

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021): Tầm nhìn thời đại

09:51, 24/08/2021
Các vĩ nhân thể hiện sự kiệt xuất của họ trước hết ở tầm nhìn. Sau này hậu thế cũng lấy tầm nhìn ấy làm thước đo để vinh danh họ. Sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới ngưỡng mộ, kính trọng bởi trước hết ông có một tầm nhìn thời đại.

Như ngọn núi cao sừng sững trong bầu trời văn hóa nhân loại nên ai cũng có thể ngước nhìn. Một nhà báo Mỹ nhận định: “Ông trở thành một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”. Nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại tên tuổi Mỹ Cecil B.Currey viết cả một cuốn sách có tên “Chiến thắng bằng mọi giá”, trong đó trích lời Đại tướng nói về nhiệm vụ quân đội: “Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn”.

`

Tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận

Đạt tới sự khái quát ý nghĩa cao nhất vào các phạm trù thì đó chính là triết học - ở đây là triết học văn hóa quân sự. Nếu liên văn hóa là sự kết tinh hình tượng tỏa ra ánh sáng chân lý lịch sử thì đây là liên văn hóa tiêu biểu nhất. Trong câu trả lời của Đại tướng có cả bóng dáng lịch sử “Ngụ binh ư nông”, “Lấy đoản binh chế trường trận”, “Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”... Trong lần trả lời phỏng vấn tờ báo Pháp (LHumannite), Đại tướng giải thích Mỹ thua Việt Nam là do “người Mỹ không hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục của chúng tôi, không hiểu tính cách của người Việt...”. Lần khác ông nói rõ hơn, Việt Nam thắng Mỹ là thắng bằng sức mạnh văn hóa. Ai cũng hiểu đó là văn hóa yêu hòa bình, yêu nước, văn hóa đoàn kết và ý chí không chịu khuất phục làm nô lệ... Đó là tầm nhìn chiến lược kết hợp cái tinh hoa truyền thống với cái hiện đại mới mẻ để kiến tạo nên sức mạnh vô địch. 

Cây đại thụ văn hóa quân sự Võ Nguyên Giáp cường tráng, lực lưỡng có ba “chùm rễ” rất khỏe, miệt mài hút dưỡng chất tinh hoa truyền thống từ ba mảnh đất văn hóa của dân tộc Việt, của phương Đông và phương Tây. Cành lá sum suê luôn vươn cao vào bầu trời tư tưởng thời đại quang hợp ánh sáng trí tuệ, nhân văn của Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa Mác - Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh, vậy nên luôn xanh mát, tươi mới. Từ nhỏ học Hán Nôm, tuổi thanh niên đã giỏi tiếng Trung, tiếng Pháp, biết tiếng Anh, tiếng Nga... Từ thời học sinh đã say mê tìm hiểu binh pháp Tôn Tử, lý luận quân sự của Clausewitz, những trận đánh của Napôlêông... Trở thành giáo viên lịch sử tất yếu phải nghiên cứu truyền thống đánh giặc của tổ tiên anh hùng. Đến với Chủ nghĩa Mác hẳn nhiên tiếp thu học thuyết quân sự của cả giai cấp vô sản và tư sản, phân tích các cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, chống Nhật của Trung Quốc... Lại may mắn được là học trò, gần gũi với thiên tài Hồ Chí Minh... Như một thấu kính văn hóa hội tụ được nhiều ánh sáng tiến bộ, cách mạng, bằng một vốn kiến văn uyên bác cùng một bản lĩnh, một trí tuệ lớn, một tâm hồn và tình yêu Tổ quốc và con người lớn lao, trong ông đã cháy lên một quá trình tự chuyển hóa những tri thức quân sự thành của riêng mình... Người Pháp có lý khi gọi ông là “ngọn núi lửa phủ tuyết”. Tuyết có thể phủ nhiều ngọn núi nhưng là “ngọn núi lửa phủ tuyết” thì hiếm, vừa giống với nhiều núi khác nhưng thật khác biệt ở phía trong, bên trong, và năng lượng thì vô tận, bất ngờ...

1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí

Triết học văn hóa hiện đại quan niệm sống là đối thoại. Cầu nối quan trọng nhất để đối thoại là hiểu biết. Tri thức càng sâu rộng càng có cơ hội mở rộng, giao lưu, kết nối, do vậy phẩm chất tự học rất được đề cao, vì học ở trường là không bao giờ đủ. Hơn nữa tự học là con đường khẳng định, hoàn thiện chủ thể vì đó là quá trình tự chuyển hóa vươn tới chân lý. Chỉ có thể cắt nghĩa tài năng ấy bằng con đường tự học, Đại tướng mới trở thành một hiện tượng duy nhất trên thế giới không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng “trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp”. Ông cũng chưa bao giờ thua trận và có tới 10 đại tướng trên thế giới là bại tướng của ông (gồm 7 đại tướng Pháp và 3 đại tướng Mỹ)!

Những người lính trẻ coi ông như người cha ruột thịt. Họa sĩ Lê Trí Dũng bồi hồi nhớ lại những ngày giáp Tết năm 1972, Đại tướng đến thăm đơn vị, đi bộ giữa hai hàng quân Sư đoàn 338. Ông dừng lại trước người lính trẻ Lê Trí Dũng hỏi thăm tình hình, hỏi tập chào chưa, rồi ông dập gót chân đứng nghiêm và giơ tay chào. Một Đại tướng chào một anh lính trơn! Bất thần cả hàng quân không ai bảo ai cùng hô vang: “Đại tướng muôn năm!”. Chi tiết thật nhỏ nhưng nói được thật nhiều ý nghĩa về tình “phụ tử chi binh”. Không có rượu để hòa xuống sông rồi cả tướng và lính cùng uống như cổ xưa nhưng ai cũng cảm thấy trái tim vị Đại tướng Nhân dân chung nhịp đập với trái tim người lính trẻ để đều hướng về nhiệm vụ chiến thắng quân xâm lược. Có một vị Đại tướng như thế, đội quân ấy sẽ có sức mạnh vô địch nhờ sự đoàn kết keo sơn, nhờ ý chí sắt thép muôn người như một! Đó là tầm nhìn Nhân tâm!

Vì vậy cũng dễ hiểu Đại tướng có “một quyết định khó khăn nhất đời mình” là kéo pháo ra, hoãn tiến công cứ điểm Điện Biên. Vì chưa chắc thắng. Nếu có thắng thì thương vong cao. Cái gốc tình yêu thương, trân trọng, quý mến con người đã tạo cho vị Đại tướng nhân văn ấy luôn tuân theo nguyên tắc: Đề cao yếu tố chiến thắng nhưng phải đảm bảo sự thương vong ít nhất. Câu trả lời của ông với tướng Mc.Namara rất thật, như nhận xét của một nhà báo Pháp, sẽ được tạc bằng vàng trong kho tàng lý luận quân sự thế giới: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”! Đó là tầm nhìn Thế sự!

Người viết bài này từng có 2 năm công tác ở Trường Sa, sau đó làm công tác tổng kết nghiên cứu lịch sử quân sự nên rất hiểu tầm quan trọng chiến lược của biển đảo, càng thấm thía, kính phục vô cùng tầm nhìn của Đại tướng.

Ngoài tầm nhìn chiến lược giải phóng miền Nam, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (3/1975), Đại tướng đã chú ý đến vấn đề giải phóng biển đảo: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Đó là kiến nghị (với Bộ Chính trị tháng 3/1975) mà tầm vĩ đại của vấn đề càng xa thời điểm ấy càng thấy ý nghĩa lịch sử lớn lao. Tháng 4/1975, Đại tướng chỉ thị Tư lệnh cánh quân phía Đông chuẩn bị lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng Quần đảo Trường Sa. Với phương châm “Thần tốc!”, ngày 14/4/1975, sau hơn một giờ chiến đấu, ta giải phóng đảo Song Tử Tây, tiếp đến là Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… Ngày 28/4/1975, Trường Sa hoàn toàn được giải phóng!

Cũng với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài, sau 1975, Đại tướng đã nghĩ đến việc làm kinh tế biển bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, vừa giữ vững chủ quyền vừa tăng cường thêm sức mạnh quân sự đồng thời tăng thêm thu nhập quốc gia. Ai đã ra thăm Trường Sa sẽ thấy rõ hơn vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của những hòn đảo - thịt da trên cơ thể Tổ quốc.

Chính Đại tướng đã kiến nghị thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, thấu suốt và nắm vững tư tưởng lớn “Dân làm gốc” của Bác Hồ và Đảng ta, ông đã đề xuất đưa dân ra biển làm kinh tế, cũng là một cách khẳng định chủ quyền biển đảo… Ở ngày hôm nay càng cho thấy điều đó là nguyên lý chiến lược, là chân lý lịch sử, là pháp lý củng cố vững chắc căn cứ chủ quyền.

Và thay cho lời nhắc nhở với cháu con, Đại tướng đã chọn nơi yên nghỉ trên núi Thọ, mũi Rồng biển Vũng Chùa (Quảng Bình), như một sự khắc cốt ghi tâm về quyết tâm trấn giữ tiền tiêu, bảo vệ và giữ toàn vẹn chủ quyền đất nước phồn vinh trao truyền lại cho muôn đời sau.

Theo Báo TNMT