Tin tức - Sự kiện

Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

10:12, 26/07/2021

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, dự kiến số lượng thủ tục hành chính (TTHC) đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa là 153/178 (đạt 85%).

 

1 15

 

Kết quả rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền để bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), liên thông TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, theo đó đã: cắt giảm, đơn giản hóa: 214/266 (chiếm 80,1%), bãi bỏ, thay thế hoặc tích hợp: 81/266 TTHC; đơn giản hóa: 133 TTHC; quy định mới: 49 TTHC, đã ban hành 19 văn bản để bãi bỏ, đơn giản hóa 214 TTHC nêu trên, gồm: 02 luật, 09 nghị định và 08 thông tư, thông tư liên tịch. Bộ đã rà soát thực hiện thí điểm liên thông 11 TTHC thuộc 03 lĩnh vực: môi trường, tài nguyên nước và quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hảo đảo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và đã được cụ thể hóa việc lồng ghép, liên thông giải quyết TTHC giữa giao khu vực biển để nhận chìm và cấp phép nhận chìm tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và cấp phép xả thải vào nguồn nước với phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020,...

Đơn giản hóa 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 62,6%) được cụ thể hóa tại Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2020 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định (11 Nghị định) liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; cắt giảm 38/74 sản phẩm hàng hóa liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) được cụ thể hóa tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ đã tiếp tục đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ 13 sản phẩm hoàng hóa (đạt 36%) tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó, đến nay, Bộ chỉ còn quản lý 23 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ đã chủ động rà soát, đơn giản hóa chế độ báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực môi trường, theo đó, tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường chỉ quy định 01 loại báo cáo công tác bảo vệ môi trường thay vì quy định 27 loại báo cáo khác nhau liên quan đến lĩnh vực môi trường tại 11 văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tiếp tục được cải cách mạnh mẽ, theo đó, có 07 TTHC được bãi bỏ; 08 TTHC được tích hợp trong 01 TTHC cấp, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường; các TTHC sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ đã chủ động đề xuất và được Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, theo đó, đã đơn giản hóa việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC thuộc lĩnh vực đất đai theo hướng dịch vụ công trực tuyến.

Đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa: 153/178 thủ tục

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, theo đó:

Số lượng thủ tục hành chính dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa là: 153/178 (đạt 85%), cụ thể từng lĩnh vực: Lĩnh vực đất đai: 12/16 TTHC, chiếm 70,5%; Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: 28/32 TTHC, chiếm 87,5%; Lĩnh vực tài nguyên nước: 27/32 TTHC, chiếm 84,3%; Lĩnh vực khí tượng thủy văn: 08/08 TTHC, chiếm 100%; Lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo: 25/25 TTHC, chiếm 100%; Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý: 01/03 TTHC, chiếm 33%; Lĩnh vực môi trường: 52/62 TTHC, chiếm 83,87% (bãi bỏ + sửa đổi)

Tổng chí phí tuân thủ dự kiến tiết kiệm TTHC: 131.622.701.000 đồng chiếm tỷ lệ 21,9% trên tổng chi phí tuân thủ quy định TTHC, cụ thể từng lĩnh vực: (1) đất đai: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 33.700.394.000 đồng, chiếm (17%); (2) địa chất và khoáng sản: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 9.440.710.000 đồng, chiếm (7,9%); (3) tài nguyên nước: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 31.925.031.000 đồng, chiếm (27%); (4) khí tượng thủy văn: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 693.872.000 đồng, chiếm (54%); (5) quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 4.267.141.000 đồng, chiếm (27,1%); (6) đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý: chi phí tuân thủ tiết kiệm: 685.400.000 đồng, chiếm (16,4%); (7) 50.418.658.000 đồng, chiếm (34,6%) trên tổng số chi phí tuân thủ TTHC.

Trên cơ sở dự kiến cắt giảm TTHC nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xây dựng và sửa đổi 15 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 08 nghị định, 07 thông tư.

Theo Monre.gov.vn