Tin tức - Sự kiện

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021): Đôi bàn tay và cuộc hành trình cứu nước vĩ đại

15:33, 04/06/2021
Bằng đôi bàn tay và khối óc kiệt xuất, 110 năm trước Nguyễn Ái Quốc đã đi nhiều châu lục trên thế giới để tìm đường cứu quốc. Để rồi sau 30 năm “bôn ba hải ngoại”, Người đem về Việt Nam chân lý “độc lập tự do”. “Để có độc lập tự do, nhất thiết phải giải phóng dân tộc. Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”.

"Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để chế độ người bóc lột người”. Lý luận tiên phong ấy mãi toả sáng trong hành trình bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình lặng im tiếng súng ngày nay.

Cuộc hành trình cứu nước vĩ đại

Cho đến bây giờ sau đúng 110 năm, nhân loại tiến bộ trên thế giới ở thế kỷ 20 và nửa đầu thế kỷ 21 chưa nước nào ghi nhận một lãnh tụ có cuộc hành trình cứu nước vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể cả những nước hiện nay thường xuyên có chiến tranh sắc tộc màu da hay những cuộc chiến “nội quốc” liên miên. Hoặc cả những nước hiện tại đang phải đối mặt với dịch Covid-19 hành hoành khắp 5 châu. Nhân loại thế giới tổng kết rằng, cuộc hành trình cứu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX không chỉ là là cuộc hành trình tìm ra con đường giải phóng dân tộc cho nước An Nam thủa ấy; mà còn là cuộc hành trình đi tìm ánh sáng bình minh cho nhân loại. Nó được đánh giá như “luồng ánh sáng văn minh” khơi dậy nỗ lực đấu tranh của “những người cùng khổ” và công nhân thế giới vùng dậy đè bẹp chế độ “người bóc lột người” của Lãnh chúa phương Tây với tư tưởng tư sản mại bản và chủ nghĩa tử bản.

Lịch sử đã sang trang, đất nước đã lùi xa tiếng súng 46 năm, nước Việt Nam không còn cách áp bức nô dịch, đời sống nhân dân hoàn toàn tự do, ấm no hạnh phúc. Có được điều ấy là nhờ công lao to lớn và tấm lòng yêu nước thương nòi vô hạn của Bác Hồ- người đã đưa ánh sáng và chân lý giải phóng dân tộc trên cơ sở học thuyết Mác Lê nin vào Việt Nam.

Sau 91 năm Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, chúng ta vẫn có quyền tự hào khẳng định, nếu không có Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, thì không có Đảng cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, không có Cách mạng Tháng Tám thành công và cũng không có một nước Việt Nam hòa bình phồn thịnh như ngày hôm nay. Dù chiến tranh hay thời bình, dù lịch sử có thăng trầm bao nhiêu, nhưng dấu ấn và công lao tìm đường cứu nước của Bác Hồ vẫn nguyên giá trị. Đó là giá trị bất biến được tạc vào lịch sử dân tộc, được thế giới vinh danh, nhân loại đời đời ghi nhớ.

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước cách đây 110 năm về trước. ảnh Mai Thắng

Cách đây 110 năm về trước, ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, từ bến cảng Nhà Rồng của thành phố Sài Gòn Gia Định ngày ấy, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ. Nguyễn Tất Thành chuyển biến nhận thức, từ tư tưởng của cậu thanh niên yêu nước, thành nhà hoạt động chính trị. Người khẳng định:

Thứ nhất: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng cũng chỉ là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người.

Thứ hai: Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến, nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận: “Chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này”.

Từ đây, Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “Ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do. Sống hoà mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
 

1
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin… Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong bối cảnh bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính vượt trội của tư tưởng khi nhận thức ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường dành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở đại học Phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.

Ánh sáng Mác- lê soi đường cách mạng Việt Nam

Nhận thức của người về cách mạng của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, của giai cấp công nhân, về chính quyền cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng ngày càng sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sỹ Cộng sản. Đồng thời sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, mỗi người dân Việt Nam lại có dịp trân trọng công lao to lớn của Người, mỗi cán bộ đảng viên lại có dịp “soi” lại mình từ công việc của Người đã làm, từ phẩm chất cách mạng cao đẹp của Người, để học tập và làm theo. Giá trị nhân văn của sự kiện Bác đi tìm đường cứu nước 110 năm về trước, không chỉ đem lại ánh sáng cách mạng, hòa bình cho dân tộc, cơm áo cho đồng bào, mà đem lại quyền tự do bình đẳng cho nhân dân- sự tự do bình đẳng quyền làm người, quyền đấu tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, quyền được sống trong hòa bình phồn thịnh.Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng. Việc Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản. Và sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Một trang mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Theo Báo TNMT