PV: Cốt lõi của chuyển đổi số là dữ liệu số, các giải pháp công nghệ thông minh của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vậy, trong Chiến lược việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, dữ liệu chuyên ngành TN&MT được quan tâm và triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Đoài:
Dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu, cần hoàn thiện cho chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Do đó, các nhiệm vụ được đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số gồm: Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về TN&MT trên cơ sở kiến trúc, quy chuẩn đồng bộ thống nhất, tạo lập dữ liệu mở với sự tham gia của cộng đồng và được cung cấp, chia sẻ sử dụng rộng rãi, thuận lợi.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định.
Cung cấp, chia sẻ sử dụng dữ liệu TN&MT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát triển kinh tế nội dung số, thúc đẩy xã hội số góp phần phát triển quốc gia công nghệ.Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu văn bản hành chính, cơ sở dữ liệu nội bộ dùng chung cho mọi cán bộ trong cơ quan Nhà nước, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý trên các nền tảng số đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính và qua đó dữ liệu được cập nhật tự động, hoàn thiện hơn.
PV: Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều người lo lắng về tính an toàn, an ninh thông tin. Để tạo lập sự tin tưởng trên môi trường số, tin cậy trong giao dịch trên không gian mạng, Chương trình chuyển đổi số sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì để đảm bảo vấn đề này?
Ông Trần Văn Đoài:
Đối với ngành TN&MT, trung tâm là dữ liệu về “không gian phát triển” của đất nước, nên nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin có vai trò then chốt, xuyên suốt¸ không thể tách rời để chuyển đổi số thành công và bền vững. Chương trình xác định mục tiêu đến năm 2025 “Bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% hệ thống thông tin cấp độ 3, 4 và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”; đến năm 2030 “Bảo đảm an toàn thông tin cho triển khai vận hành Chính phủ số”, các nhiệm vụ cụ thể đặt ra bao gồm:
Hoàn thành xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin và tổ chức, bảo đảm hoạt động của mạng lưới lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng.
Xây dựng, vận hành trung tâm giám sát an toàn thông tin ngành TN&MT, kết nối, chia sẻ với Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia; triển khai các hệ thống: Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; Hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; Hệ thống phòng chống mã độc.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, diễn tập bảo đảm an toàn thông tin mạng.
PV: Chương trình chuyển đổi số đưa ra mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4. Vậy để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Đoài:
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, làm thước đo hài lòng người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030. Thực ra đối với các giải pháp kỹ thuật, 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4 có thể thực hiện ngay trong năm 2021. Tuy nhiên, giải quyết thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, cần thiết triển khai đồng bộ về chính sách, hành lang pháp lý để cuốn hút người dân, doanh nghiệp tham gia.
|
Người dân dễ dàng tra cứu thông tin về lĩnh vực TN&MT qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. |
Trước mắt, Cục sẽ đưa nội dung chuyển đổi số vào các văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai xây dựng, như các quy định về giấy phép, chứng chỉ điện tử, cấp phép hoàn toàn trên môi trường số. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách về thu thập, tạo lập, quản lý, cung cấp toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT, phát triển dịch vụ nội dung số về TN&MT góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải trên môi trường, công nghệ số.
Ngoài ra, nhận thức của người dân đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi số thành công. Do đó, cần phải thường xuyên, đổi mới sáng tạo, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xây dựng văn hóa công sở mới phù hợp với môi trường số, với quá trình phát triển Chính phủ số.
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia; kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương, bộ ngành; sử dụng các nền tảng dịch vụ như xác thực, định danh, thanh toán điện tử… dùng chung; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua hiệu năng phục vụ, nâng cao trải nghiệm người sử dụng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT