Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường với tinh thần “Thi đua ái quốc”, ý chí tự lực, tự cường, yêu ngành, yêu nghề, phát huy những thành quả đã đạt được, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 2/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 953 /BTNMT-TĐKTTT gửi các Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua về phát động Phong trào thi đua năm 2021.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát động đợt thi đua trong toàn Ngành tài nguyên và môi trường năm 2021 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới toàn diện để phát triển" nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tài nguyên và môi trường; tạo không khí phấn khởi, hăng hái thi đua, qua đó phát huy trí tuệ, sức mạnh to lớn của mọi tập thể, cá nhân, lập thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; thực hiện chuyển đổi số toàn diện Ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử
Phong trào thi đua tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
Một là, thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên cho phát triển, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai là, thi đua thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng số, dữ liệu số, thông tin phục vụ quản lý, điều hành thông minh trên nền tảng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; củng cố và hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm, có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Năm là, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.
Các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu
Để triển khai thực hiện tốt Phong trào thi đua này, Bộ đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tập trung xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
2. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, để nguồn lực tài nguyên được phân bổ và sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài: nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phân bổ quỹ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước; hoàn thiện chủ trương, chính sách để phát huy giá trị địa chất, nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước; triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển; tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường; đổi mới nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn; tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động đo đạc, bản đồ, phân giới cắm mốc lãnh thổ, quản lý không gian lãnh thổ bằng công nghệ viễn thám.
3. Xây dựng cơ chế khuyến khích việc đăng ký các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo, không chỉ dừng lại ở trong Ngành mà còn huy động được sự tham gia của toàn xã hội; có tiêu chí cụ thể để bình chọn, tôn vinh, khen thưởng kịp thời cũng như nhân rộng để tạo sức lan tỏa cho các phong trào. Kịp thời phát hiện, đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các cá nhân có nhiều sáng kiến, thành tích trong các phong trào thi đua.
4. Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua, khen thưởng, gắn phong trào thi đua với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, đặc biệt là vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người đứng đầu trong việc tổ chức các phong trào thi đua; chú trọng công tác xây dựng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, thực hiện chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục hưởng ứng và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phát động bằng các việc làm thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị và của Ngành. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ giữa các Cụm, Khối thi đua, trong toàn Ngành và với các ngành khác để tăng cường sự gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, và phối kết hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, tạo môi trường làm việc thực sự thuận lợi, tạo động lực, văn minh, văn hóa.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong thực thi và hoàn thiện chính sách pháp luật. Đổi mới công tác thanh tra, tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.
Tiêu chí thi đua
Các tiêu chí thi đua cụ thể đối với tập thể và cá nhân như sau:
Đối với tập thể: Hưởng ứng và phát động phong trào thi đua thiết thực, gắn với các nhiệm vụ chính trị, cụ thể: có kế hoạch, giải pháp thực hiện; có đăng ký chỉ tiêu thi đua, đăng ký sáng kiến, đổi mới sáng tạo về xây dựng chính sách, thể chế, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; có nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao vui tươi lành mạnh.
Có chương trình công tác (kế hoạch, nhiệm vụ) của năm được xây dựng, phê duyệt theo quy định; sáng tạo, vượt khó, hoàn thành 100% kế hoạch năm, trong đó chương trình xây dựng pháp luật và giải ngân đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Có kế hoạch thực hiện cải cách hành chính được phê duyệt (quy chế, quy trình, thủ tục, trách nhiệm, tiến độ cụ thể), cắt bỏ các thủ tục rườm rà trong giải quyết công việc; phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; mọi dịch vụ công đều có thể được thực hiện trực tuyến cấp độ 3, 4.
Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở: không đi muộn về sớm, không uống rượu bia, hút thuốc lá tại nơi làm việc...
Đoàn kết nội bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
Đối với cá nhân: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có đăng ký chỉ tiêu thi đua, đăng ký sáng kiến, đổi mới sáng tạo về xây dựng chính sách, thể chế, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, giải pháp công tác hoặc giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở và nội quy của cơ quan, đơn vị; Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua; có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Đối với cá nhân là lãnh đạo thủ trưởng đơn vị: ngoài các tiêu chí nêu trên, đơn vị phải là tập thể tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu các phong trào thi đua.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ 06 tháng, kết thúc năm, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện; tham mưu biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, đoàn thể, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động thi đua, nhằm thực hiện tốt công việc hằng tháng, hằng quý, năm của cơ quan, đơn vị; đăng ký sáng kiến, các danh hiệu thi đua theo quy định và tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức thực hiện thành công.