Phụ nữ trên thế giới mong muốn và xứng đáng có được một tương lai bình đẳng, không kỳ thị, định kiến và bạo lực; một tương lai ổn định, hòa bình, có quyền bình đẳng và cơ hội cho tất cả mọi người.
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay có chủ đề: “Phụ nữ lãnh đạo: Đạt được tương lai bình đẳng trong một thế giới COVID-19”, nhằm tôn vinh những nỗ lực to lớn của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong việc hình thành một tương lai bình đẳng hơn và phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Theo Liên hợp quốc, sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ, hiệu quả của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Tuy nhiên, sự hiện diện của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định vẫn còn khiêm tốn, như trong một báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc mới đây. Số liệu cho thấy, Phụ nữ chỉ giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ ở 21 quốc gia (10 người đứng đầu là phụ nữ của Nhà nước và 13 phụ nữ đứng đầu Chính phủ), trong khi 119 quốc gia chưa bao giờ có lãnh đạo phụ nữ. Với tốc độ hiện tại, sự ngang bằng ở đỉnh cao của quyền lực sẽ không đạt được trong 130 năm nữa.
Trong thời kỳ Covid-19, LHQ và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) ghi nhận phụ nữ đứng ở tuyến đầu trong chiến dịch ứng phó với đại dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả việc đẩy lùi đại dịch ở các vị trí khác nhau như nhân viên y tế, người chăm sóc, người sáng tạo, nhà tổ chức cộng đồng và các nhà lãnh đạo quốc gia. Những lãnh đạo nữ và các tổ chức của phụ nữ đã thể hiện kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và phát huy mạng lưới lãnh đạo hiệu quả trong ứng phó với COVID-19 và nỗ lực phục hồi.
Việt Nam là quốc gia được cộng đồng quốc tế hoan nghênh đã đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương, đề cao vai trò của phụ nữ trong ứng phó đại dịch cũng như phục hồi hậu đại dịch.
Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65 trên 162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo cấp cao trong Đảng, Nhà nước, đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội Khóa XIV đạt 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, nhà khoa học, Đại sứ, người sản xuất giỏi, văn nghệ sĩ tiêu biểu, chủ doanh nghiệp. Một số nữ bác sĩ quân y của Việt Nam đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Việt Nam tiếp tục bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”. Chương trình này đề ra mục tiêu, biện pháp để đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố chủ đề Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2021 là “Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo: Hiện thực hóa một tương lai bình đẳng trong thế giới COVID-19” . Qua đó góp phần kêu gọi tập hợp cho Bình đẳng thế hệ , hành động vì một tương lai bình đẳng cho tất cả mọi người.
Trung tâm Truyền thông TN&MT