Tin tức - Sự kiện

Xây dựng đề án để triển khai sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ

16:00, 11/12/2020
hiều 10/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc tổ chức triển khai sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Để triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao cho Tổng cục Môi trường xây dựng Đề án để Bộ trình Chính phủ phê duyệt; trong đó xác định  rõ mục tiêu cụ thể; tập trung vào bổ sung, phục hồi, tái tạo lại diện tích cây có chức năng sinh thái. Khôi phục lại các hệ sinh thái đang bị vỡ, đảm bảo cho các hệ sinh thái được bền vững với tự nhiên.

bo truong ha 1

Quang cảnh cuộc họp

Bộ TN&MT xác định, trồng 1 tỷ cây xanh không phải vì lợi nhuận mà vì giá trị xã hội và chức năng sinh thái cho môi trường tự nhiên. Với tinh thần đó, cần đánh giá tình hình các phong trào trồng cây gây rừng thời gian qua; tình trạng khẩn cấp của hệ sinh thái đang bị phá vỡ trên đất nước ta; những chủ trương chính sách, pháp luật hiện hành… Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu là “trả lại, phục hồi lại hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo sự cân bằng cho đất nước”.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, nên trồng những loại cây có giá trị phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, thổ nhưỡng; tính toán lại diện tích từng khu vực để xác định trồng cây gì với số lượng bao nhiêu… Trong bối cảnh sạt lở đất, rừng bị suy thoái nghiêm trọng, chúng ta có thể nghiên cứu trồng cây, cỏ chống sạt lở... Tập trung vào trồng cây ở khu vực đất trống, sa mạc hoá; rừng ngập mặn, cây gắn với chống ô nhiễm không khí (công viên đô thị, khu công nghiệp, khu sản xuất).

Nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại vấn đề về chính sách pháp lý; những quy định mang tính chất bắt buộc. Bên cạnh đó, sớm tổ chức công tác điều tra, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ đất rừng, cây rừng. Đồng thời, quy hoạch những vùng đang có vấn đề (bán sa mạc, sa mạc hoá…); quy định tỷ lệ cây xanh trong đô thị, nông thôn và phải giám sát quy hoạch; chất lượng cây trồng… Cùng với đó là sự tham gia của khoa học công nghệ liên quan đến nghiên cứu, hiểu rõ chức năng sinh thái, giá trị cao của đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát với mục tiêu “đó là những cây gửi lại mãi mãi cho các thế hệ”.

“Khi chính sách, khuôn khổ pháp luật, điều kiện thực thi đã rõ, nên có sự tham gia và xác định trách nhiệm cũng như ghi nhận những sự đóng góp. Mỗi địa phương nên lựa chọn các doanh nghiệp, giao cho các doanh nghiệp từng khu đất để họ trồng cây; kết hợp giữa doanh nghiệp với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nguồn Báo TNMT