- Đại biểu tham gia Hội nghị, với số lượng 180 đại biểu của 19/63 tỉnh, thành là đại diện các đại biểu thuộc khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp…) gồm các đơn vị như sau: Đại diện các Sở, ban, ngành địa phương; Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, tuyên truyền viên, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tình nguyện môi trường, các trường đại học; Đại diện các doanh nghiệp và cộng đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương; Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe các báo cáo và tập trung trao đổi, thảo luận về Những khái niệm cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thực trạng áp dụng sản xuất sạch hơn ở Việt Nam, các tiếp cận mới nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng SCP; Tăng cường cơ chế chính sách và các nguồn lực cho sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam; Kỹ năng xây dựng truyền thông vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường, thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Hướng dẫn thực hiện nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Báo cáo 1: Những khái niệm cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững và Thực trạng áp dụng sản xuất sạch hơn ở Việt Nam, các tiếp cận mới nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng SCP
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã chia sẻ và nhấn mạnh về khái niệm, các công cụ hỗ trợ thúc đẩy, các tiêu chí về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực trạng áp dụng sản xuất sạch hơn ở nước ta và các tiếp cận mới hiện nay.
Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững có tác động rất lớn, đem lại hiệu quả cao đến môi trường, giảm thiểu các nguyên vật liệu sản xuất, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng... Trong quá trình hoạt động về sản xuất, hiệu suất mang lại cao hơn, vì vậy sản xuất và tiêu dùng bền vững vừa không gây tác động đến môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp và cộng đồng.
Báo cáo 2: Tăng cường cơ chế chính sách và các nguồn lực cho sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam
Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giảng viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nêu lên được cách tiếp cận cơ chế đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững, các công cụ chính sách với sản xuất và tiêu dùng bền vững, một số chính sách quốc gia liên quan tới sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Một số nhận xét chung về cơ chế, chính sách và thực thi sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam:
- Tiếp cận chưa toàn diện theo vòng đời sản phẩm, mới tập trung nhiều vào khâu sản xuất;
- Tiếp cận chủ yếu “từ trên xuống”, các sáng kiến “từ dưới lên” còn hạn chế và chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng;
- Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường còn hạn chế́, mới chỉ tập trung vào một số nhóm mặt hàng phổ biến như nông nghiệp an toàn, sản phẩm có nguồn gốc tái chế;
- Tổ chức thị trường, lưu thông, phân phối sản phẩm chưa được quan tâm một cách đúng mức; các kênh/hình phức phân phối sản phẩm thân thiện môi trường còn nghèo nàn;
- Thiếu sự kết nối trong việc đưa sản phẩm hình thành từ sản xuất bền vững ra thị trường thông qua chuỗi cung ứng bền vững;
- Thực hiện xuất khẩu và nhập khẩu theo hướng bền vững còn hạn chế;
- Tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như: thực phẩm an toàn, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
- Hoạt động mua sắm công theo hướng bền vững chưa được quan tâm đúng mức;
- Các cơ hội từ hội nhập để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững chưa được khai thác triệt để;
- Các công cụ chính sách: tập trung nhiều vào CAC; các công cụ kinh tế, trao đổi thông tin, giáo dục đào tạo… chưa được sử dụng nhiều, chưa phát huy tác dụng điều chỉnh hành vi.
Báo cáo 3: Kỹ năng xây dựng kế hoạch truyền thông vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Bà Nguyễn Thu Trang, chuyên gia truyền thông - Quản lý dự án tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã chia sẻ về Kỹ năng xây dựng kế hoạch truyền thông vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên và môi trường, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tới các đại biểu tham dự.
Trong đó, các yêu cầu cần chuẩn bị khi xây dựng kế hoạch truyền thông về bảo vệ tài nguyên và môi trường, tăng trưởng xanh gồm: (1) Tóm tắt thông tin về nơi dự kiến thực hiện kế hoạch truyền thông; (2) Phân tích tình hình và xác định vấn đề; (3) Phân tích đối tượng truyền thông; (4) Xác định mục tiêu truyền thông, vận động; (5) Xác định loại hình/phương tiện truyền thông; (6) Một số chú ý khi xây dựng thông điệp truyền thông; (7) Xác định các hoạt động của kế hoạch truyền thông vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Báo cáo 4: Hướng dẫn thực hiện nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững
Cũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường đã chia sẻ và hướng dẫn thực hiện các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững được coi là chìa khóa cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không nhất thiết phải hi sinh chất lượng cuộc sống hoặc các yếu tổ phát triển bền vững. Việc triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những cách ứng phó chủ yếu nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống thông qua phát triển bền vững. Do vậy, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, đang trong quá trình công nghiệp hóa, công nghiệp chế biến, khai thác tài nguyên chiếm tỷ trọng cao, trình độ công nghệ còn thấp cần có những giải pháp, bước đi cụ thể, tích cực để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, vì sự phát triển bền vững của quốc gia.
Trung tâm Truyền thông TNMT