Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
Chiều 22/10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự, đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng tại phiên toàn thể của Diễn đàn.
Dự Diễn đàn, có diện các quốc gia ASEAN, các đô thị thuộc Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN (ASCN); các vị đại sứ; đại biểu; chuyên gia đại diện các tổ chức quốc tế; các đồng chí Bộ trưởng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đô thị triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian trưng bày tại Diễn đàn |
Đô thị thông minh khi giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đây là sự kiện gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?
Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. |
Hội nghị ASCN lần này tại Việt Nam được tổ chức, trong khuôn khổ hoạt động của năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Diễn đàn lần này hướng tới các mục tiêu: thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác đoàn kết của các thành viên; thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; và duy trì và phát triển các đối thoại ASCN.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn cấp cao năm nay, chủ đề được lựa chọn sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề chính:Một là, hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Bản sắc cộng đồng tạo ra niềm tự hào, tự tôn, đoàn kết, cảm giác thân thuộc và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong việc tham gia vào các hoạt động chung. Việt Nam tin rằng quá trình phát triển đô thị thông minh không thể thành công nếu thiếu vắng sự tham gia chủ động và tích cực của mỗi công dân; các đô thị chỉ thực sự thông minh khi giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng của cộng đồng mình.
Hai là, phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Sự gắn kết và chủ động thích ứng sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách khó khăn trong cả ngắn hạn như đại dịch COVID19, cũng như những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc khôi phục phát triển kinh tế hậu COVID hay đối phó với những rủi ro phi truyền thống tương tự đại dịch này.
Với quan điểm đó, 5 phiên hội thảo chuyên đề của Diễn đàn lần này tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong xây dựng đô thị thông minh như về: quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng số và công nghệ số, phát triển các dịch vụ thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh. Đồng thời, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động triển lãm về mô hình đô thị thông minh, các nền tảng, sản phẩm công nghệ cho xây dựng đô thị thông minh.
Xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Năm 2018, Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN (ASCN) đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, xác định các mục tiêu, bao gồm: nền kinh tế cạnh tranh; môi trường bền vững; và chất lượng cuộc sống cao. Trong đó, Việt Nam có 03 thành phố tham gia Mạng lưới là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Mạng lưới ASCN thực sự là không gian thuận lợi để các quốc gia ASEAN phát huy nội lực, mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài khối để thúc đẩy quá trình đô thị hóa thông minh hiệu quả.
Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020). |
Với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới ASCN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như: coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia CMCN 4.0; phát triển Đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030, bắt đầu từ Quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý – người dân – nhà đầu tư.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 vào tháng 7/2020 với các kế hoạch hành động hiện thực hóa đô thị thông minh, củng cố hợp tác với các đối tác trên tinh thần “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Để đạt được điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong CMCN 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình. Tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
Thủ tướng lưu ý, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh. Đồng thời, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.
Trong một thế giới đầy biến động khó lường với những thách thức, cơ hội đan xen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 05 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm: củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN./.