Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, dự kiến sáng nay (24/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ ba. Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) với sự tham gia của sáu nước ven sông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc là ý tưởng được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN – Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế Đối thoại và Hợp tác Lan Thương – Mekong.
Việt Nam đã tham gia tích cực vào MLC Thương ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng, mang tính định hướng hợp tác; và đặc biệt là đã đẩy được hợp tác nguồn nước trở thành một lĩnh vực ưu tiên của MLC. Các Bộ, ngành cơ bản đã tham gia vào hoạt động của các Nhóm công tác, bước đầu tham gia xây dựng các tài liệu Kế hoạch, định hướng hoạt động của từng Nhóm công tác.
Trong năm 2020, Việt Nam cũng đã tham gia tích cực các hoạt động của hợp tác MLC, cụ thể: (i) Tổ chức hoạt động kỷ niệm Tuần lễ MLC lần thứ ba năm 2020 tại Hà Nội; (ii) 4 dự án của Việt Nam đăng ký sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2019 đã được chấp nhận; Việt Nam cũng đã đăng ký thêm 5 dự án của các địa phương Việt Nam sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2021; (iii) Tích cực trao đổi các văn kiện, kế hoạch hành động của các Nhóm công tác MLC về kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới, hợp tác năng lực sản xuất, nguồn nước; tham gia họp Nhóm công tác Ngoại giao, tham gia các hoạt động, khóa đào tạo trong khuôn khổ hợp tác MLC.