Chiều 12/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 47 sau 3 ngày làm việc. Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp (Ảnh: Quang Khánh/ ĐBND) |
Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030 (giai đoạn 2021 – 2030). Theo đó, tầm nhìn của Chiến lược là: Xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Sứ mệnh được xác định là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh các giá trị cốt lõi gồm: Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị.
Tờ trình của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, dự kiến nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600-2.700 người, trong đó mỗi KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực khoảng 100-110 người…
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021 – 2030), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về giá trị cốt lõi, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với nội dung “Độc lập - liêm chính - chuyên nghiệp - uy tín”; đồng thời, đề nghị làm rõ nội hàm, thuyết minh rõ ý nghĩa cụm từ “không ngừng gia tăng giá trị” để tránh hiểu nhầm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Một số ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “không ngừng gia tăng giá trị”.
Đối với mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu quan điểm, đứng trước bối cảnh KTNN đang trong thời kỳ phát triển gắn với yêu cầu tiến tới kiểm toán quyết toán thường xuyên (1 năm/1lần), gắn với mục tiêu tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán môi trường, kiểm toán trách nhiệm kinh tế người đứng đầu, việc tăng biên chế là cần thiết trong giai đoạn 10 năm tới nhưng phải kèm theo thuyết minh rõ ràng về căn cứ và định hướng tăng biên chế, không nên đưa con số cụ thể 2600-2700 biên chế như dự thảo đã nêu. Tuy nhiên, hiện nay việc tăng biên chế chưa phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4./2015 của Bộ Chính trị về Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong Chiến lược chỉ nên đưa ra định hướng chung là "về biên chế của KTNN do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ".
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, với biên chế như hiện nay (khoảng 2.000 người), KTNN đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Giai đoạn tới, KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kiểm toán tại trụ sở KTNN nên không cần tăng biên chế so với hiện nay…
Sau khi thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về mặt nguyên tắc: Thông qua chiến lược Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp 47.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành nội dung đề ra. Trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên họp với sự giãn cách nhất định, chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch bệnh. Các nội dung trao đổi không kém phần sôi nổi, thể hiện trách nhiệm rất cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau Phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến. Nội dung nào đủ điều kiện thì chuẩn bị trình trước Quốc hội, nội dung nào chưa hoàn thiện thì cố gắng thúc đẩy, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc./.