(ĐCSVN) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ trong kháng chiến, nơi hy sinh nhiều nhất là miền Trung- Tây Nguyên, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp tại đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng 18/7 (ảnh: ĐT). |
Sáng 18/7, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết các kiến nghị của các địa phương.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên; đại diện các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp….
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta đã kiểm soát được COVID-19 đã được hơn 3 tháng và không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên như Đà Nẵng, Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, nhất là chủ trương giãn cách xã hội, góp phần vào kết quả không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Cả nước đã cùng thực hiện mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ phấn đấu kiên trì, liên tục nên đạt được mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là 1,81%. Đây là con số thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua nhưng là cao nhất trong khu vực và trên thế giới do tác động của COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thiệt hại chung của cả nước do COVID-19, thiệt hại ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn; đặc biệt, 3 địa phương có tăng trưởng âm là Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Nam.
“Với mục đích là để lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm, do vậy Hội nghị hôm nay là rất cần thiết; là dịp để các địa phương trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên nêu lên kiến nghị, đề xuất, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cùng phối hợp giải quyết, tháo gõ các khó khăn hiện nay”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ và khẳng định thêm: Cỗ máy kinh tế như cỗ xe tam mã với 3 con ngựa kéo là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. “Chúng ta suy nghĩ để xử lý các thành tố này để có sự tăng trưởng cần thiết ở địa phương”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn (ảnh: ĐT) |
Đề cập đến tiềm năng, thế mạnh của ủa các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên là rất lớn, với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không chỉ trong kháng chiến, nơi hy sinh nhiều nhất là miền Trung- Tây Nguyên, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp như vậy tại đây. Một mảnh đất mà số lượng anh hùng liệt sĩ hy sinh lớn nhất nước trong kháng chiến, nay phải nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển, đặc biệt vực dậy các loại hình kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn”- Thủ tướng lưu ý.
Tuy nhiên, Thủ tướng đặt câu hỏi: Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng?
Thủ tướng lấy ví dụ trường hợp của TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa khi vừa qua tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thành công, thu hút nhiều tỷ USD. “Biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ”- Thủ tướng tiếp tục đặt vấn đề và liên hệ: Các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm chạp. Do đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở địa phương để tăng giải ngân vốn đầu tư công.
“Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên phải làm sao để bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Đề ra phương pháp chỉ đạo nào, tổ chức thực hiện ra sao để cuối năm nỗ lực đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho từng địa phương. Các địa phương phải đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là các kết cấu hạ tầng quan trọng và những giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố, vùng, liên vùng, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ logistics…, đặc biệt là kết nối Tây Nguyên với miền Trung; cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không để tình trạng trì trệ; thực thi ngay các chính sách đột phá, táo bạo. Các địa phương cần đưa ra cam kết khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án. Ý chí miền Trung, quyết tâm miền Trung phải khắc phục khó khăn của đại dịch COVID-19.
Với tinh thần cởi mở, đi thẳng vào vấn đề, Thủ tướng mong muốn được nghe các ý kiến, hiến kế và quyết tâm của lãnh đạo các địa phương, các Bộ, ngành và các hiệp hội, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các học giả, các chuyên gia, doanh nhân…. để làm sao bứt phá trong 6 tháng còn lại của năm 2020.
Ngoài các nội dung trên, Thủ tướng cũng yêu cầu Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận về phát triển văn hóa, xã hội, con người, đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Thủ tướng mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tháo gỡ có giá trị để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ, nhất là chính sách đột phá, táo bạo có thể thực thi ngay.
Với các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu không than khó, kể khổ mà dành thời gian để hiến kế, chia sẻ khả năng, cam kết của mình có thể làm gì đóng góp cho miền Trung – Tây Nguyên. Với các bộ, ngành, phải đưa ra các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho miền Trung – Tây Nguyên.
Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết các kiến nghị của các địa phương. |
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22%, là Vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm thì ngành dịch vụ giảm 4,81%.
Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6/2020, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.
Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là TP. Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các Vùng KTTĐ, không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm.
Khu vực nông nghiệp của vùng là điểm sáng trong phát triển kinh tế với mức tăng bình quân 6 tháng cao hơn so với cùng kỳ 2019 và cao nhất so với các vùng trong cả nước. Với cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng chiếm 33% trong tổng GRDP của vùng, duy trì mức tăng trưởng cao của ngành trong quý II cao hơn quý I đã bù lại sự suy giảm của các ngành khác và duy trì phát triển chung của vùng.
Nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kỳ và nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp mức bình quân cả nước, tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỷ đồng, số vốn ngân sách Trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỷ đồng./.