Chiều 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Tổ chức Các Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ (YPO).
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc Ban IV và YPO |
Ban IV gồm các đại diện của khu vực tư nhân Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thành lập từ cuối năm 2017. Sau hơn hai năm rưỡi ra đời và hoạt động, đến nay Ban IV đã tham mưu và góp phần triển khai hiệu quả nhiều mảng việc của Hội đồng, đặc biệt trong việc đánh giá hiện trạng và đề xuất cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia (nông nghiệp, du lịch, kinh tế số...) và vận hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), kênh đối thoại công tư đang rất được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận hiện nay.
Tổ chức Các Nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ (YPO) được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1950 và hiện là tổ chức phi lợi nhuận có mạng lưới toàn cầu lớn nhất thế giới với hơn 27 nghìn thành viên gồm các giám đốc điều hành trẻ được lựa chọn theo cùng các tiêu chí khắt khe từ hơn 130 quốc gia, có chung sứ mệnh là trở thành các nhà lãnh đạo xuất sắc hơn thông qua giáo dục và trao đổi ý tưởng. Các công ty được lãnh đạo bởi các thành viên YPO sử dụng hơn 15 triệu lao động trên toàn thế giới và tạo ra doanh thu hằng năm ở mức 9.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, YPO được thành lập từ năm 1996, đến nay đã có 57 thành viên, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thành viên của YPO là các doanh nhân thành đạt đang điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp do thành viên YPO điều hành đã và đang có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế chung của đất nước cũng như thúc đẩy các tiến bộ xã hội.
Tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp trình bày các nhóm sáng kiến, giải pháp thành viên Ban IV và YPO đóng góp chung quanh các mục tiêu và ưu tiên của Chính phủ; thảo luận, đánh giá tính khả thi của các giải pháp, sáng kiến và cách thức hợp tác công - tư để hiện thực hoá các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Đối với bài toán thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, Chính phủ rất quan tâm và ưu tiên giải quyết. Thủ tướng luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đó là hạ tầng, đất đai, đưa các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thủ tướng mong muốn đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ; khẳng định Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển; trong đó, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; giải quyết nhanh thủ tục cho các doanh nghiệp. Thủ tướng cũng nêu rõ, trong lúc chưa thể mở cửa rộng rãi, cần tận dụng kích cầu du lịch trong nước.Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đối với nền kinh tế; đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp tại buổi gặp này; giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, tuyệt đối không được chủ quan, không vì phát triển kinh tế mà để đại dịch quay trở lại. Thủ tướng khẳng định quan điểm không được để đổ gẫy nền kinh tế, không để doanh nghiệp phá sản và phải nỗ lực tăng trưởng ở mức cao nhất.
Về các giải pháp chiến lược chuyển đổi số, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm, có Chương trình quốc gia chuyển đổi số. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình này. Các vấn đề như "Make in Vietnam", 5G đang được đẩy mạnh.
Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành, Ban IV, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đóng góp để đất nước phát triển thịnh vượng, hùng cường./.
Nguyễn Quang Vũ/TTXVN