Tin tức - Sự kiện

ĐIỂM TIN: Tài nguyên và môi trường tuần 30 (từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 7 năm 2020)

15:22, 27/07/2020
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước tại Lào Cai
Sáng 23-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đoàn công tác Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường kiểm tra tình hình an toàn hồ đập, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tham gia cùng đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào quý IV/2020
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5904/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc báo cáo tình hình thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

HỘI NGHỊ LẦN THỨ 12 CỦA NHÓM CÔNG TÁC ASEAN VỀ GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG
Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Hội nghị lần thứ 12 của nhóm công tác ASEAN về Giáo dục môi trường được tổ chức trực tuyến.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Công điện hỏa tốc số 995/CĐTTg, ngày 21/7/2020, chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang.

Phát triển năng lượng phải gắn với bảo vệ môi trường
Ngày 22/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020: Triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phát triển nhưng phải bảo vệ môi trường. Do vậy phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường.

Đẩy nhanh lộ trình thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030
Sáng 22/7, tại Hà Nội, Bộ TN&MT họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp.

Các hoạt động nổi bật của Bộ Tài nguyên và môi trường 6 tháng đầu năm
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện các dự thảo Nghị định: sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đã được giao đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020
Sáng 22/7, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tạo bứt phá trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai

Hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đất đai bảo đảm tiến độ đề ra; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập ở địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai... là những nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2020.

Đưa giá trị di sản địa chất vươn tầm thế giới: Sát cánh vì sự phát triển vùng di sản
Công viên Địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO - đây là một cơ hội lớn đối với tỉnh Đắk Nông. Tuy vậy, để tiếp tục duy trì và phát triển Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Mạng lưới Công viên Địa chất ở Việt Nam nói chung, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện KHĐC&KS) thuộc Bộ TN&MT đã và đang nỗ lực hỗ trợ, tư vấn cho Ban Quản lý các Công viên Địa chất này.

Công điện khẩn ứng phó mưa, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, các Bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện công tác ứng phó với mưa, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc.

Ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 20 tháng 7 năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN”
Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Chường trình phát triển liên hiệp quốc UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam -Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam,  Bộ Ngoại giao Nauy đã khởi động cuộc thi: “Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” (EPPIC)”, ở các thành phố ven biển gồm Vịnh Hạ Long, Việt Nam và đảo Samui, Thái Lan vào năm 2020, sau đó là Indonesia và Philippines vào năm 2021.

Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau 2020: Tầm nhìn mới, hành động mới
Đa dạng sinh học trên toàn thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hầu hết các mục tiêu của Kế hoạch hành động chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học giai đoạn 2011 – 2020 đều không đạt được. Bức tranh đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ ra sao? Mục tiêu nào cho giai đoạn tới?

Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam
Khu dự trữ sinh quyển là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học (ĐDSH) với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Về mặt phương pháp luận, khu DTSQ xem "Con người là một phần của sinh quyển", là "Công dân sinh thái". Việc thành lập các khu DTSQ thế giới là nhằm tạo ra các mô hình trình diễn, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cân bằng nhu cầu của con người ngày nay với thế hệ tương lai và tự nhiên (German Commission for UNESCO, 2015).

Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường