Tin tức - Sự kiện

Bộ TN&MT xây dựng các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021- 2025

14:50, 02/06/2020
Sáng 2/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan về các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia do Bộ chủ trì thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất 4 chương trình nghiên cứu

Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ; về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo và chuyển đổi số, tiến tới gia tăng tỷ trọng nền kinh tế số.

Trên cơ sở tổng hợp bước đầu về các kết quả đạt được của các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020, Vụ KH&CN đề xuất: Bộ TN&MT cần thiết phải xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia có trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ cấp thiết nhất, phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước, điều tra cơ bản trung hạn hoặc dài hạn của Bộ.

Cụ thể, Vụ KH&CN đề xuất 4 Chương trình, Đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025. Bao gồm 2 chương trình do Bộ TN&MT chủ trì và 2 chương trình do Bộ KH&CN chủ trì, Bộ TN&MT chủ động tham gia.

Thứ nhất là Chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững” với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, công cụ kinh tế thúc đẩy hoạt động thích ứng, ứng phó với BĐKH gắn với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Bên cạnh đó, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, ít phát thải, chống chịu với BĐKH và thân thiện môi trường; giải pháp thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững ĐBSCL và một số khu vực trọng điểm.

Thứ hai là chương trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng-an ninh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu từng bước làm chủ được công nghệ, thiết kế, chế tạo một số thiết bị của vệ tinh viễn thám nhằm chủ động cung cấp dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, tiệm cận các nước đang phát triển trên thế giới.

Thứ ba là Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Thứ tư là Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối cảnh thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển giai đoạn 2021-2025.

1

Quang cảnh cuộc họp

Tập trung hoàn thiện

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia do Bộ chủ trì thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 để nhằm hoàn thiện các Chương trình này.

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất từ Vụ KH&CN và các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhất trí, thống nhất với các đề xuất của Vụ Khoa học và Công nghệ về xây dựng các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Vụ Khoa học và công nghệ cần xây dựng, hoàn thiện các Chương trình theo hướng tái cơ cấu theo hướng phát triển mục tiêu kinh tế xã hội, tập trung vào các vấn đề trọng điểm, trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2021-2025. “Đây là Chương trình quan trọng, hàng đầu về khoa học công nghệ ngành TN&MT, do đó có các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ Chiến lược mang tính lâu dài, bám sát các định hướng của Đảng, Chính phủ về ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng yêu cầu, Vụ Khoa học và công nghệ, các đơn vị cần xây dựng cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu của các khung Chương trình để thành khung xuyên suốt, làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm, tránh trùng lặp để đảm bảm các sản phẩm cụ thể, hiệu quả.