Tin tức - Sự kiện

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ địa phương

08:14, 26/05/2020
(TN&MT) - Để phục vụ phục vụ nhu cầu về thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) cho các ngành của TP Hà Nội và 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã chủ động trong việc dự báo điểm, tăng cường năng lực cảnh báo KTTV ở những khu vực trên.
 
Thay đổi tư duy phục thuộc vào “dự báo Trung ương”

Ông Phạm Văn Xuyên, nguyên Trưởng phòng Dự báo, Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ cho biết, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Tổng cục KTTV, Đài đã triển khai nhiều giải pháp tập trung tăng cường hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng thủy văn thông qua việc tăng cường năng lực hệ thống đo đạc, truyền tin, phân tích, xử lý số liệu và đổi mới công nghệ dự báo. Đồng thời, mở rộng và đa dạng hóa loại hình dịch vụ khí tượng thủy văn để nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ, áp dụng các phương pháp dự báo tiên tiến.

Trong 5 năm qua, việc triển khai nghiệp vụ dự báo được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả tại Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, quán triệt thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của Luật phòng chống thiên tai, Luật Khí tượng Thuỷ văn, các Quy chế, Quy trình, Quy định của Chính phủ, Bộ, Ngành, Tổng cục KTTV.

1

Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ thực hiện cảnh báo ngập lụt cho các đô thị lớn. Ảnh minh họa

Việc tổ chức thực hiện tại đơn vị các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định, Quy định của Tổng cục KTTV; đặc biệt là Quyết định số 458/QĐ-KTTVQG hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống thiên tai trong phạm vi Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia; Quyết định 392/QĐ-KTTVQG và Quyết định 410/QĐ-KTTVQG; các Quyết định 503, 504, 505, 506/QĐ-KTTVQG và các quyết định khác của Tổng cục KTTV được đảm bảo.

Theo ông Xuyên, việc tiếp nhận và triển khai sử dụng các công nghệ dự báo KTTV ứng dụng vào nghiệp vụ dự báo; gần đây nhất là các công nghệ dự báo như: Công nghệ Mike-Urban Dự báo ngập lụt thời gian thực cho thành phố Hà Nội, hệ thống SmartMet hỗ trợ nghiệp vụ dự báo đã được chuyển giao và đào tạo, mô hình ROMS-3D dự báo sóng, dòng chảy ven bờ hàng ngày; dự báo sóng, nước dâng lớn nhất trong bão cho khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ… đã phát huy hiệu quả trong dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai cho các địa phương.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tại đơn vị còn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hoá các văn bản để triển khai đến các đơn vị làm dự báo và dự báo viên trong toàn Đài khu vực.

“Sau mỗi đợt thời tiết, thủy văn nguy hiểm xảy ra bất thường trong năm; đơn vị luôn tổ chức thảo luận, rút kinh nghiệm, qua đó đánh giá những việc đã làm được và những tồn tại cần khắc phục. Từ đó dự báo viên khắc phục tồn tại, chủ động được việc ra bản tin, thay đổi tư duy không còn thụ động phụ thuộc vào Trung ương”, ông Xuyên nhìn nhận.

Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu về công tác phục vụ KTTV đối với các ngành của thành phó Hà Nội và 6 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Băc Bộ trong phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội, Đài đã chủ động trong việc dự báo điểm, dự báo cho các Lễ hội của đất nước có tổ chức ngoài trời tại Hà Nôi.

“Khi có thời tiết thuỷ văn nguy hiểm với diễn biến phức tạp, Đài đã chủ động ban hành bản tin bổ sung, bản tin tăng cường, bản tin nhanh; tập trung nghiên cứu và ban hành các bản tin dự báo cho các sông suối nhỏ, sông nội đồng phục vụ tiêu úng, ngập. Các loại bản tin đã đáp ứng yêu cầu thực tế của đơn vị và cá nhân người sử dụng”, ông Xuyên thông tin.

Đáng chú ý, Đài cũng thực hiện cảnh báo ngập lụt cho các đô thị lớn trong đó có các quận nội thành Hà Nội dựa trên hệ thống mô hình Mike-Urban, mô phỏng lại một số đợt ngập lụt trong nội thành Hà Nội. Hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chạy bán tự động dự báo, cảnh báo ngập lụt cho khu vực thủ đô.

Từng bước hoàn thiện phương án dự báo

Cũng theo ông Xuyên, giai đoạn từ năm 2015-2020 là giai đoạn chuyển đổi rất mạnh mẽ của Ngành KTTV, nhiều văn bản được ban hành. Để các văn bản đi vào cuộc sống và thực hiện có kết quả tốt nhất người đứng đầu đơn vị nhất là cấp phòng cần phải nghiên cứu kỹ, cụ thể hoá cho đơn vị, vừa thực hiện tại đơn vị mình vừa tham mưu cho lãnh đạo Đài chỉ đạo các đơn vị khác thực hiện, đồng thời hướng dẫn cho các Đài KTTV tỉnh thực hiện.

Từ năm 2015 đến nay, Ngành KTTV tăng cường hiện đại hóa hệ thống dự báo, đổi mới công nghệ dự báo đồng thời triển khai mạnh mẽ việc tự động hoá trong quan trắc nên dự báo viên tại các đơn vị thiếu, phải chuyển các quan trắc viên sang làm dự báo. Do vậy, việc đào tạo dự báo viên tại chỗ là rất cấp thiết đối với Đài khu vực.

Trước thực tế đó, Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dự báo viên KTTV phát triển nguồn nhân lực từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại; có đủ năng lực thực hiện các chức năng nhiệm vụ mới.

Đài đã tổ chức đào tạo dự báo viên chuyển từ quan trắc viên sang và bồi dưỡng nghiệp vụ dự báo cho các Đài tỉnh thuộc khu vực. Các dự báo viên sau khi đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về lại đơn vị làm việc, các đơn vị cử người đi học đã đánh giá kết quả rất hiệu quả và đề nghị cần tiếp tục mô hình đào tạo trên.

Đặc biệt, đợt “tổ chức thi kiểm tra năng lực dự báo viên KTTV trong toàn Đài hàng năm” đã thực sự là một đợt thi đua học tập, phổ biến kiến thức sâu rộng và toàn diện, rất có ý nghĩa. Nhiều dự báo viên qua đợt thi này đã bổ sung được nhiều kiến thức thiết thực cho thực hiện công việc hàng ngày.

Sáng kiến “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng phương án dự báo thủy văn trên hệ thống sông Đáy” đã được ứng dụng. Từ các số liệu thực đo trong quá khứ để lập phương án dự báo lũ, triều, độ mặn tại trạm thủy văn Ba Thá, Ninh Bình, Như Tân. Thay đổi các phương án dự báo thủy văn xây dựng trước đây, từng bước hoàn thiện các phương án dự báo cho từng vị trí trên hệ thống sông.

Các dự báo viên của phòng Dự báo KTTV, Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện phương án dự báo cho 14 điểm dự báo thủy văn thuộc Đài KTTV đồng bằng Bắc Bộ trong khuôn khổ Đề tài Nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá, lựa chọn và hoàn thiện các phương án cảnh báo, dự báo lũ phù hợp cho các đơn vị dự báo địa phương ở miền Bắc”. Đề tài đã được nghiệm thu và đưa vào tác nghiệp dự báo trong năm 2017 cho phòng Dự báo KTTV, các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định.