Tin tức - Sự kiện

Quảng Ninh đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường

11:15, 26/05/2020
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao hiệu quả, giá trị canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được Quảng Ninh đẩy mạnh bằng việc sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo môi trường.

1

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN hướng dẫn người dân chăm sóc cây dưa lưới Nhật

Với vai trò là một trong những cầu nối để chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN Quảng Ninh đã triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thị xã Đông Triều có địa hình, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả, trong đó cây bưởi, hay cây dưa lưới Nhật Bản đang là hướng đi mới, giúp hàng trăm hộ dân có việc làm và thu nhập. Cây bưởi được trồng tập trung ở các địa phương như: Việt Dân, Thủy An, An Sinh với diện tích trồng lớn, nên việc tưới tiêu và chăm sóc mất nhiều thời gian và tốn kém. Trước thực tế trên, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN đã lựa chọn gia đình bà Nguyễn Thị Đào, tại xã Việt Dân, TX.Đông Triều để triển khai mô hình tưới văng điều khiển bằng Smartphone trên diện tích vườn bưởi rộng gần 3.500m2.

Bà Nguyễn Thị Đào cho biết, sau một thời gian đưa hệ thống áp dụng công nghệ tưới văng vào hoạt động, đã cho thấy việc vận hành mô hình tưới văng đơn giản chỉ cần vài thao tác trên điện thoai, rất tiện lợi, hữu ích, giúp cho việc tưới nước, chăm sóc cây thuận tiện, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công trước đây.

Hay như mô hình trồng thử nghiệm giống dưa lưới Nhật tại TX.Đông Triều được Trung tâm Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN triển khai trên diện tích 300m2 nhà màng trồng dưa Taki của Nhật Bản với tổng số 490 cây dưa giống. Sau 3 tháng chăm sóc, cây dưa phát triển tốt và cho quả có trọng lượng trung bình 1,4kg/quả. Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản theo công nghệ cao tại TX.Đông Triều đã tạo ra hướng phát triển cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Còn tại TX.Quảng Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất và đạt nhiều kết quả, mở ra hướng phát triển mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.

3

Người lao động chăm sóc rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Song Hành, tại TX.Quảng Yên

Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Song Hành, tại xã Tiền An, TX.Quảng Yên đã nghiên cứu và sản xuất thành công rau thủy canh.Với việc ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất đã giúp cho sản phẩm rau thủy canh của Công ty nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng và có được chỗ đứng trên thị trường.

Anh Nguyễn Văn Đô, cán bộ Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Song Hành cho biết, việc trồng rau thủy canh khác biệt rất lớn đối với việc trồng rau truyền thồng bởi quy trình sản xuất khá chặt chẽ. Bởi, ngoài việc đầu tư hệ thống nhà bơm, thiết bị phân bổ nước và hệ thống bơm phun rửa vách, trần nhà giàn, người cán bộ kỹ thuật còn phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật từ khâu ươm giống cho tới khi thu hoạch theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Giống Na mới cho hiệu quả kinh tế cao đưa vào trồng tại xã An Sinh, TX.Đông Triều

Trao đổi với PV Báo TN&MT, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN, Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao cũng như liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao cho người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã với nhiều cây, con giống cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. 

Nhằm phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể, chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài.