Tin tức - Sự kiện

Bộ TN&MT với vai trò điều hòa mối quan hệ giữa “bảo tồn” và “phát triển”

15:49, 22/05/2020

Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học (ĐDSH), suốt những năm qua, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐDSH, lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH, bảo tồn loài, sinh cảnh, điều hòa mối quan hệ giữa “bảo tồn” và “phát triển”.

*Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên của Việt Nam phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học ra đời đã tiếp thêm nhựa sống cho công tác quản lý bảo tồn ĐDSH trong các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, vùng biển của Việt Nam.

Để triển khai Luật đi vào đời sống, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành 21 văn bản trực tiếp hướng dẫn triển khai Luật Đa dạng sinh học, gồm 2 Nghị quyết của Chính phủ; 9 Nghị định của Chính phủ; 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ và Tài chính. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó đang dự thảo 7 điều về nội dung về Bảo tồn đa dạng sinh học, với quan điểm xem cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ.

Kết quả rõ nét trong công tác bảo tồn là quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia được tổ chức triển khai. Việt Nam đã thành lập mới 07 Khu bảo tồn (gồm Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Kiên Giang), Khu bảo tồn loài - sinh cảnh vườn cò Đông Xuyên (Bắc Ninh), Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng), khu bảo tồn biển Cồn Cỏ (Quảng Trị), khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), KBT đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và KBT đất ngập nước Phá Tam giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).

Có 7 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập là Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai), Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài thủy sinh hoang dã Vinpearl land (Công ty TNHH Vinpearl land) (Khánh Hòa), Công viên động vật hoang dã FLC (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển vườn thú Faros) (Bình Định), Vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An), Safari Phú Quốc (Kiên Giang), Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (Ninh Bình), Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang).

Có 3 hành lang đa dạng sinh học theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, bao gồm: Hành lang ĐDSH kết nối khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và khu bảo tồn loài - sinh cảnh Voi (Quảng Nam), hành lang ĐDSH kết nối khu bảo tồn thiên nhiên Đăckrông và Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) và hành lang ĐDSH kết nối khu bảo tồn loài - sinh cảnh Sao La và khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên- Huế).

Tính đến tháng 6 năm 2019 đã có 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 11 địa phương đã xây dựng xong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh nhưng chưa phê duyệt do quy định mới của Luật Quy hoạch (sẽ lồng ghép quy hoạch này vào quy hoạch tỉnh). Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

*Thành lập và củng cố các khu bảo tồn

Hiện nay, cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha (2.500.409,67 ha), gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm là 73.259,67 ha). Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha, đó là: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể - Bắc Kạn (2011); Tràm Chim – Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo (2014); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - Ninh Bình (2018).

Việt Nam cũng đã triển khai thành công việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và KBT đất ngập nước Phá Tam giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).

Có 10/16 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích là 187.810,93 ha, chiếm 0,19% diện tích vùng biển Việt Nam; có 9 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích là 4.253.108 ha. Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu AHP, gồm Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (2019), Vườn quốc gia Vũ Quang (2019), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (2019), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (2019), Vườn quốc gia Hoàng Liên (2003), Vườn quốc gia Ba Bể (2003), Vườn quốc gia Chư Mom Rây (2003), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (2003), Vườn quốc gia U Minh Thượng (2012), Vườn quốc gia Bái Tử Long (2017). Tỷ lệ che phủ rừng gia tăng, năm 2019 đạt 41,85%, tăng 0,2% so với năm 2018.

1

Cả nước hiện có có 173 khu bảo tồn thiên nhiên

*Kiểm soát buôn bán động vật hoang dã

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại, tăng cường kiểm soát tình hình nhập khẩu, buôn bán tôm hùm nước ngọt; xây dựng và trình Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về loài ngoại lai xâm hại. Công tác quản lý các loài hoang dã nguy cấp luôn được tăng cường thực hiện, đặc biệt chú trọng triển khai các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Hiện nay, Bộ đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách để quản lý động vật hoang dã trong tình hình mới. Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cập nhật, bổ sung.

Cùng với đó, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 được triển khai tích cực. Đến nay trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm. Hệ thống quản lý và cấp phép tiếp cận quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã đi vào hoạt động. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 40 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện; 01 Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; 01 Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Các mô hình sử dụng bền vững nguồn gen và chia sẻ lợi ích được thí điểm thực hiện.

Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học được Bộ TNMT chú trọng triển khai. Bộ đã thực hiện tốt vài trò đầu mối thực thi các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học, mở rộng đối tác, huy động được nguồn lực hỗ trợ thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn loài, quản lý nguồn gen, quản lý đất ngập nước, quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu di sản ASEAN, sáng kiến thành lập hành lang đa dạng sinh học...Năm 2019, Bộ TNMT đã xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 4 về việc thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học; Xây dựng Báo cáo quốc gia lần 6 về Đa dạng sinh học trình Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, nhiều dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã được triển khai có hiệu quả.

Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, với mục tiêu cùng nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi ứng xử với tài nguyên Đ DSH, đưa Đ DSH là một đối tượng quan trọng cần được bảo vệ và khai thác hợp lý để phục vụ cho phát triển bền vững.

Nguồn: Monre.gov.vn