Tin tức - Sự kiện

Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia 2019: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo đột phá cho phát triển bền vững

08:55, 07/05/2020
Cùng với quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

 

Huy động tối đa nguồn lực xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Để giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT tập trung, huy động tối đa nguồn lực trong quá trình xây dựng Luật BVMT sửa đổi.

Bộ TN&MT đã sửa đổi, trình Quốc hội ban hành dự án Luật BVMT theo hướng: Thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cùng với kinh tế, xã hội, các yêu cầu BVMT phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, coi rác thải là tài nguyên, chú trọng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh áp dụng các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít carbon, áp dụng đầy đủ nguyên tắc “Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, “Người hưởng lợi từ giá trị của môi trường phải chi trả”, phù hợp kinh tế thị trường, đồng thời phải điều chỉnh được mặt trái của kinh tế thị trường.

Đồng thời, sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội cho công tác BVMT. Khắc phục các chồng chéo, xung đột, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống pháp luật về BVMT, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm.

1

Phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: MH

Đưa những quy định mới vào đời sống

Một trong những quy định pháp luật có tính đổi mới mạnh mẽ đã được Chính phủ ban hành, có tác động trực tiếp đến công tác quản lý môi trường là Nghị định số 40/2019/NĐ- CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Nghị định được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, đặc biệt là nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”và “từ kiểm soát cuối đường ống sang kiểm soát cuối đường ống kết hợp với kiểm soát cả quá trình xử lý chất thải”, với nhiều quy định mới, đột phá nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Nghị định đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như: Bãi bỏ và cắt giảm trên 25 TTHC và nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; lồng ghép một số TTHC trong các lĩnh vực BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 15 - 25 ngày; thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để kiểm soát các hành vi có tác động đến môi trường, hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Theo dự thảo Nghị định này, sẽ quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể hóa các biện pháp khắc phục hậu quả, nguyên tắc áp dụng trong quá trình thực hiện xử phạt; bổ sung quy định xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, như: xây lắp không đúng quy định đối với công trình BVMT; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; không vận hành công trình xử lý chất thải; chưa quy định hành vi đối với trường hợp đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch BVMT; không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị; chuyển giao, cho, bán, chôn lấp, đổ, thải, đốt, tiếp nhận các loại chất thải rắn thông thường đặc thù và sản phẩm thải lỏng không nguy hại); giải quyết các vướng mắc trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, để quy hoạch môi trường có vai trò định hướng, dẫn dắt các hoạt động đầu tư, phát triển, Bộ TN&MT đang triển khai xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước.
 

Bình Minh
Theo: baotainguyenmoitruong.vn